Nhiều ý tưởng tái chế rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng!

Thứ 7, 22/07/2023, 04:51 GMT+7

Là một trong những tỉnh công nghiệp hàng đầu trong cả nước, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phát sinh hơn 3.600 tấn chất thải các loại trong đó có khoảng 8% là rác thải nhựa và nilon. Do đó việc thu gom xử lý chất thải nhằm góp phần bảo vệ môi trường bền vững luôn được quan tâm chú trọng. Từ đó có nhiều ý tưởng tái chế rác thải nhựa giúp bảo vệ môi trường

Với ưu điểm bền, tiện dụng và giá thành thấp, các sản phẩm làm từ nhựa và túi nilon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt mọi nơi, từ trong các gia đình, cửa hàng nhỏ lẻ đến siêu thị và những trung tâm thương mại lớn. Việc lạm dụng sự tiện lợi của túi nilon và vật dụng nhựa kết hợp với thói quen vứt rác bừa bãi của con người, khiến rác thải nhựa dần trở thành mối nguy hại đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu.

tái chế rác thải nhựa

Rác thải nhựa đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống 

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện có hiệu quả việc quản lý và kiểm soát các dự án/công trình tái chế rác thải nhựa. Theo đó, nhiều sản phẩm được tái chế từ rác thải nhựa đã được ra đời với quy mô sản xuất từ thủ công cho đến các nhà máy, xí nghiệp.

Mới đây, thầy và trò Trường THCS Ngô Quyền (TP.Long Khánh) đã nảy ra ý tưởng làm gạch sinh thái từ rác thải nhựa. Sau gần 4 tháng triển khai, đã có gần 2 ngàn viên gạch được tạo. Dự án này được thực hiện từ tháng 2/2023 với việc thu gom toàn bộ vỏ bánh kẹo, hộp xốp, ly nhựa để làm sạch, phơi khô, cắt nhỏ rồi nhét chặt vào các vỏ chai nhựa để tạo gạch sinh thái.

tái chế rác thải nhựa

Sản phẩm gạch sinh thái làm kệ sách, bàn ghế của CLB Tái chế chai nhựa Trường THCS Ngô Quyền 

Được biết, mỗi viên gạch sinh thái loại chai nhựa 500ml chứa khoảng 200g túi ny-lông, loại chai 1,5L có thể chứa 600-700g rác bao bì nhựa. Sản phẩm càng nhiều thì rác thải nhựa ngoài môi trường càng giảm. Cách làm này không chỉ xử lý rác nilon ở sân trường mà còn tạo ra những viên gạch dùng xây dựng các công trình.

Hiện tại, mô hình tự làm gạch sinh thái từ rác thải nhựa không còn gói gọn trong khuôn viên nhà trường mà còn có cả các trường học lân cận, gia đình học sinh tham gia. Một số quán nước, sân banh thấy được việc làm hữu ích này cũng thu gom chai nhựa, bao bì nhựa tặng cho nhà trường để chung tay làm gạch sinh thái. Nhờ vậy, tình trạng rác thải nhựa ven đường làm xấu cảnh quan, gây tắc nghẽn cống rãnh giảm đáng kể.

Trước đó, từ cuối năm 2021, Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (huyện Vĩnh Cửu) đã tái chế thành công và xuất khẩu sản phẩm hàng tấm ván ép tái chế từ rác thải nhựa công nghiệp sang Scotland. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên trên cả nước ứng dụng tái chế thành công và đưa ra được sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.

tái chế rác thải nhựa

Công ty Thanh Tùng 2 tái chế thành công tấm ván ép từ rác thải nhựa và tạo ra sản phẩm mới từ tấm ván ép 

Không dừng lại ở đó, từ tấm ván ép tái doanh nghiệp đã tạo ra các sản phẩm khác để phục vụ thị trường trong nước như bàn, ghế, tủ; nhà lắp ghép từ tấm ván ép nhựa tái chế để phục vụ trong gia đình, khu du lịch... Những sản phẩm này bên cạnh bán ra thị trường với giá thành thấp hơn các loại thông thường nhưng chất lượng vẫn tương đương thi công ty dành một số lượng lớn tặng cho những trường học, những họ khó khăn vùng sâu vùng xa phục vụ học tập và đồ dùng trong cuộc sống.

Gần đây doanh nghiệp này tiếp tục dùng công nghệ tái chế từ rác thải nhựa cho ra tạo ra các sản phẩm mới như ngói nhựa (1,2m x 0,9m) ngói lợp cao su, gạch cao su, thay thế được các loại sản phẩm ngói truyền thống khi chịu được nắng, mưa khí hậu khắc nghiệt.

Ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay đã trở thành vấn đề mang tính chất toàn cầu. Do đó, thành công của những dự án tái chế rác thải nhựa nêu trên không chỉ là thành công lớn của các cá nhân, doanh nghiệp mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần bảo vệ môi trường nói chung. Hy vọng, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều sản phẩm được tái chế từ rác thải nhựa vì mục đích môi trường, phát triển bền vững của xã hội.

Nguồn: Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững - Bộ Công Thương

Ý kiến bạn đọc