Bộ Tài Nguyên và Môi Trường vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương về việc hưởng ứng Ngày Đa dạng sinh học năm 2023
Năm nay, thông điệp Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 được Liên hợp quốc lựa chọn là “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học” (From Agreement to Action: Build Back Biodiversity) nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050; thúc đẩy các hành động triển khai Khung đa dạng sinh học toàn cầu.
Theo đó, Bộ tài nguyên và môi trường hướng dẫn đề nghị các cơ quan, tổ chức các hoạt động hưởng ứng như tăng cường truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học về vai trò của đa dạng sinh học trong phát triển bền vững; thay đổi hành vi và thúc đẩy lối sống hài hò với thiên nhiên; không săn bắt và sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã quý hiến; chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích thu được từ thiên nhiên; xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Các cơ quan, đơn vị tổ chức xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học để triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp với khuôn khổ, mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh – Montreal được thông qua tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (CBD COP15).
Ảnh minh họa
Các đơn vị tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên, tiếp cận dựa trên hệ sinh thái để bảo vệ, bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững các hệ sinh thái nhằm giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, góp phần mang lại lợi ích về đa dạng sinh học và phúc lợi cho con người; tăng cường công tác điều tra, kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học, tạo dựng thông tin nền về hiện trạng đa dạng sinh học làm cơ sở cho quá trình ra quyết định về bảo tồn thiên nhiên về đa dạng sinh học; kiểm soát chặt chẽ tác động của các dự án phát triển đối với các khu vực tự nhiên về đa dạng sinh học.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường các hoạt động để bảo tồn các loại chim hoang dã, di cư tại Việt Nam thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển và các vùng đất ngập nước quan trọng khác nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên của Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cũng cố và tăng cường hệ thống di sản thiên nhiên thông qua triển khai đồng bộ các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP, trong đó ưu tiên tăng cường năng lực và nguồn lực cho quản lý và bảo vệ môi trường các di sản thiên nhiên, hướng dẫn xác lập và công nhận di sản thiên nhiên.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2022, Bộ TN&MT sẽ tổ chức Hội thảo “Phối hợp hành động thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal” tại Việt Nam và nhiều hoạt động khác tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn.
Hội thảo có nhiều nội dung quan trọng như Giới thiệu về kết quả COP15 CBD, Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal (GBF) và định hướng hành động của Việt Nam; Các khuyến nghị và sáng kiến của WWF nhằm thúc đẩy thực hiện GBF tại Việt Nam.
Lễ Kỷ niệm Ngày quốc tế Đa dạng sinh học do Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức tại Vườn Quốc gia Ba Bể.
Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường