Các nhà khoa học tại Đại học Sannio ở miền nam nước Ý vừa phối hợp các công ty tư nhân xây dựng ngôi nhà chạy bằng pin nhiên liệu hydro đầu tiên ở châu Âu.
Cuộc khủng hoảng năng lượng và biến đổi khí hậu đang khiến nhiều địa phương châu Âu phải tìm cách giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2). Vì thế ngôi nhà mới được thiết kế đạt cả hai tiêu chí.
Nói với Euronews, ông Gerardo Canfora, hiệu trưởng Đại học Sannio, cho biết: "Chúng tôi tập trung vào vấn đề phát thải CO2 và lên ý tưởng sử dụng hydro để biến ngôi nhà này thành một hệ thống hoàn toàn tự cung tự cấp".
Ngôi nhà thiết kế và xây dựng như một ký túc xá sinh viên, được thử nghiệm để đánh giá những lợi ích và hạn chế của công nghệ không phát thải đối với các ngôi nhà và văn phòng trong tương lai.
Theo nhóm nghiên cứu, các tế bào nhiên liệu chạy bằng hydro tạo ra điện và hệ thống sưởi đáp ứng các nhu cầu cơ bản, đồng thời tạo ra năng lượng tái tạo từ các nguồn năng lượng mặt trời và địa nhiệt.
Stress Consortium, trung tâm nghiên cứu kỹ thuật về xây dựng bền vững, đã hỗ trợ thiết kế và xây dựng tòa nhà. Và nó được xem là nguồn cảm hứng cho các kế hoạch cung cấp năng lượng cho các nhà ở và doanh nghiệp bằng pin nhiên liệu hydro.
Được biết, ngôi nhà hoàn toàn tự cung tự cấp năng lượng đầu tiên trên thế giới được xác nhận là của Hans Olof Nilsson, người Thụy Điển, xây dựng ở ngoại ô Gothenburg.
Nơi ở của người này được cho không có lưới điện từ tháng 3-2015 và 160m2 các tấm pin mặt trời của ngôi nhà cung cấp điện quanh năm. Khi nhu cầu năng lượng ít hơn, lượng điện phụ được nạp vào pin dự trữ.
Sự độc đáo của ngôi nhà đã khiến giới chức thị trấn Vagarda chú ý và quyết định làm việc với Nilsson để cải tạo 172 căn nhà ở xã hội vào năm 2017.
Nguồn: https:tuoitre.vn