Ngày Khí tượng thế giới năm 2023: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và lộ trình tổ chức - phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam!

Thứ 4, 22/03/2023, 15:25 GMT+7

Ngày Khí tượng thế giới là sự kiện thường niên được tổ chức hàng năm vào ngày 23/3 để ghi nhớ việc thành lập Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) vào ngày 23/3/1950. Mỗi năm, tổ chức này phát động một chủ đề cho Ngày Khí tượng Thế giới và năm nay là “The Future of Weather, Climate and Water across Generations” - chủ đề tuyên truyền của Việt Nam là “Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau”.

Tôn vinh những đóng góp của cơ quan Khí tượng thủy văn (KTTV):

Thông điệp này khẳng định giá trị của thông tin, thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước đối với xã hội đồng thời kêu gọi trách nhiệm của mỗi một cá nhân trên thế giới cần thể hiện vai trò và trách nhiệm trước cuộc sống hiện tại và tương lai nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động suy thoái môi trường.

Đây cũng là dịp tôn vinh những đóng góp của cơ quan Khí tượng thủy văn (KTTV) trên khắp thế giới đối với việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Ngày khí tượng thế giới

Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26): cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050

Ngày 25/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) nhằm chủ động tham gia xu thế toàn cầu phát triển các-bon thấp, huy động nguồn lực, đổi mới công nghệ để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ngày 26/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

phát thải ròng bằng 0

Một số thuật ngữ:

  • Các khí nhà kính chính là carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O). Các khí có hàm lượng thấp nhưng có tiềm năng cao gây hiệu ứng nhà kính là hydrofluorocarbons (HFCs), perfluorocarbons (PFCs), sulphur hexafluoride (SF6) và nitrogen trifluoride (NF3) (Điều 91 – Luật Bảo vệ môi trường)
  • Hạn ngạch phát thải khí nhà kính là lượng khí nhà kính của quốc gia, tổ chức, cá nhân được phép phát thải trong một khoảng thời gian xác định, được tính theo tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương.
  • Tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương.

Đối tượng thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính:

(Điều 5, 6 - Nghị định số 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn)

  • Các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg).
  • Các bộ quản lý lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp là các Bộ: Công Thương, GTVT, NN&PTNN, TN&MT, Xây dựng.

Ghi chú: Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; cơ sở xử lý CTR có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Cơ sở trên có trách nhiệm phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, báo cáo theo hướng dẫn của Bộ quản lý lĩnh vực trước ngày 31/03/2023, và tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ hai năm một lần cho năm 2024 trở đi gửi UBND cấp tỉnh trước ngày 31/3 kể từ năm 2025 để thẩm định; hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, gửi Bộ TN&MT trước ngày 01/12 của kỳ báo cáo bắt đầu từ năm 2025.

Căn cứ kết quả kiểm kê khí nhà kính của quốc gia, của các lĩnh vực và của chính các cơ sở, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý lĩnh vực liên quan xây dựng, ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở SX, KD. Đồng thời, tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở cho giai đoạn 2026 - 2030 và hằng năm. (Điều 11, 12 - Nghị định số 06/2022/NĐ-CP)

Lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon tại Việt Nam:

Giai đoạn đến hết năm 2027:

  • Xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon;
  • Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với QĐPL và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên;
  • Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025;
  • Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.

Giai đoạn từ năm 2028:

  • Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028;
  • Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

Nguồn: Môi Trường Á Châu

Ý kiến bạn đọc