Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong tái chế, thu gom và xử lý chất thải

Thứ 5, 06/06/2024, 04:51 GMT+7

Đây là nhiệm vụ được đặt ra tại Hội thảo tập huấn thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường diễn ra ngày 18/8/2023 tại Hà Nội.

Doanh nghiệp cần ý thức rõ trách nhiệm xử lý chất thải, tái chế bao bì

Tại hội thảo, TS. Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia cho biết, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường gồm 02 nội dung là trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải. Các nội dung này của Luật Bảo vệ môi trường đã được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, hàng hóa gồm: săm lốp; pin và ắc quy; dầu nhớt; các sản phẩm có bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế); điện và điện tử; phương tiện giao thông thì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc. Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế. Theo lộ trình, nhà sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2027.

Ngoài ra, nhà sản xuất, nhập khẩu 5 nhóm sản phẩm, bao bì gồm: thuốc bảo vệ thực vật; pin sử dụng một lần; tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su, thuốc lá; một số sản phẩm, hàng hóa có thành phần nhựa tổng hợp như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilong khó phân hủy kích thước nhỏ… cũng phải có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 01/01/2022.

Đại diện Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia đã chia sẻ, giới thiệu chi tiết các quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu; hướng dẫn đăng ký, kê khai, báo cáo việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và kê khai trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải trên Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia đang được vận hành thí điểm. Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia đã trực tiếp trao đổi, giải đáp nhiều lượt câu hỏi của các hiệp hội và doanh nghiệp liên quan đến 2 nội dung quan trọng là trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhận định, mặc dù đã tổng hợp và công khai trả lời các câu hỏi, thắc mắc liên quan nhưng vẫn còn nhiều hiệp hội, doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện vẫn chưa biết hoặc chưa nắm được các quy định của pháp luật về vấn đề này. Một số doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện trách nhiệm tái chế, thu gom và xử lý chất thải dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong thực hiện quy định pháp luật. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có kế hoạch rà soát, kiểm tra đối với những doanh nghiệp này.

Bộ TN&MT giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp

Tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam cho biết, lâu nay, doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật vẫn đóng góp tài chính để xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên việc triển khai, xử lý vấn đề này rất khó khăn từ khâu thu gom, vận chuyển và xử lý. "Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai thực hiện việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật khá thành công ở 22 tỉnh thành phía Nam và mong muốn được chia sẻ, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc triển khai, thực hiện vấn đề này”, ông Sơn nói.

Tiếp thu ý kiến trên, TS Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế giải đáp: Bao bì thuốc bảo vệ thực vật là rác thải nguy hại nên phải có đơn vị được cấp phép xử lý chứ không thể tự tổ chức xử lý được. Tuy nhiên vấn đề thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do các địa phương không có kinh phí. Bởi thế Quỹ Bảo vệ môi trường (do các doanh nghiệp phải đóng góp để thực hiện trách nhiệm tái chế, thu gom và xử lý chất thải) sẽ tạo nguồn để cho nhiều địa phương giải quyết được vấn nạn ô nhiễm bao bì thuốc bảo vệ thực vật hiện nay.

Toàn cảnh hội thảo

Trong khi đó, đại diện của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam thắc mắc, hiện nay các nhà sản xuất ô tô không tự sản xuất các phụ tùng như săm lốp và pin ắc quy nhưng có gắn nhãn mác của mình vào đó. Vậy thì trách nhiệm tái chế, thu gom và xử lý chất thải thuộc về nhà sản xuất ô tô hay nhà sản xuất phụ tùng đó?.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Tuấn Hùng cho biết: Trách nhiệm thuộc về cả hai vì nhà sản xuất ô tô và nhà sản xuất phụ tùng đều sử dụng thương hiệu sản phẩm đó. Tuy nhiên các gara sửa chữa có quy mô nhỏ có sử dụng phụ tùng trên thì trách nhiệm thuộc về nhà sản xuất phụ tùng.

Tại hội thảo, đại diện Vụ Pháp chế đã giải đáp cụ thể, chi tiết nhiều câu hỏi, thắc mắc của các hiệp hội, doanh nghiệp. Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng đề nghị các hiệp hội phát huy vai trò của mình, tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc phổ biến, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp hiểu đúng, đầy đủ và thực hiện tốt các quy định của pháp luật.

Nguồn: Trang thông tin điện tử tổng hợp Sở Tài nguyên và Môi Trường Tỉnh Tuyên Quang, "Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong tái chế, thu gom và xử lý chất thải",  đăng ngày 21/08/2023, xem tại link: http://tnmttuyenquang.gov.vn/print-24371.html, truy cập ngày 06/06/2024.

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc