Thời gian qua, để góp phần hoàn chỉnh tiêu chí môi trường trong Bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, tại xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây đã thực hiện và duy trì tốt hoạt động của mô hình xử lý, phân loại rác thải tại nguồn mang lại hiệu quả rõ rệt, được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng.
Người dân xã Thạnh Nhựt ý thức trong việc tạo vẻ mỹ quan nơi công cộng.
Xã Thạnh Nhựt có 3.697 hộ dân, với 12.803 nhân khẩu, có 03 trường học với 07 điểm trường, 03 hợp tác xã, 03 điểm chợ. Theo tính toán, khối lượng rác thải trên địa bàn xã khoảng 4,8 tấn/ngày. Đầu năm 2020, toàn xã Thạnh Nhựt đã có 9,63% hộ đăng ký với Ban Quản lý chợ huyện thu gom rác tập trung, chủ yếu là các hộ dân cặp theo các tuyến đường Quốc lộ 50, đường huyện 12B, đường Thạnh Lạc Đông, đường lộ Nhà Việc, số hộ còn lại xử lý rác bằng cách chôn lấp hoặc đốt ở đất vườn nhà. Hộ dân các ấp ở trong ngõ xóm không có nơi xử lý rác thì đăng ký và tập kết rác ra đường lớn để xe chở rác của Ban Quản lý chợ huyện thu gom.
Xã Thạnh Nhựt được huyện chọn là xã thực hiện bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2020. Khi đi vào triển khai thực hiện, ngoài các tiêu chí cần vốn đầu tư thì tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện nhất, do cần phải có sự đồng thuận và phối hợp của người dân mới thực hiện được. Trước đây đối với tiêu chí môi trường của xã nông thôn mới, chỉ cần người dân có biện pháp xử lý rác thải là đạt, tuy nhiên đối với xã nông thôn mới nâng cao thì quy định bắt buộc phải có trên 70% hộ dân thực hiện việc đăng ký thu gom rác tập trung và 30% hộ dân phải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và có biện pháp xử lý phù hợp. Vấn đề đặt ra cho xã Thạnh Nhựt là hạ tầng đường giao thông nông thôn của xã có nhiều tuyến đường dân sinh, xe thu gom rác của huyện không thể vào các tuyến đường này để lấy rác của các hộ dân vì đường nhỏ. Nếu thực hiện việc thành lập các điểm tập kết rác ở cụm dân cư thì sẽ có một số hộ dân không đăng ký thu gom rác mà đem rác ra các điểm tập kết này bỏ rác gây mất vẻ mỹ quan nơi công cộng, chưa tính đến việc để rác ngoài có mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường.
Căn cứ vào hiện trạng và tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thạnh Nhựt đã tổ chức tuyên truyền vận động và tổ chức cho người dân thấy được những lợi ích thiết thực, ý nghĩa của việc thu gom rác đúng nơi, đúng chỗ có trật tự. Từ đó, đa số người dân đồng tình ủng hộ và đăng ký thu gom rác, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã phối hợp với Hợp tác xã Bình Trung thực hiện dịch vụ thu gom rác của hộ dân trong các tuyến đường nhỏ bằng xe ba gác máy. Đến cuối năm 2020, toàn xã trên 34 các tuyến đường ấp, đường dân sinh, ngõ xóm có mặt đường rộng từ 1,5m trở lên đảm bảo xe ba gác máy chạy vào được đều có xe chuyên đi thu gom rác tận nơi. Đây cũng là một điểm sáng, góp phần tạo thuận tiện trong thu gom rác của địa phương.
Thực hiện theo phương án lấy rác trong khu vực ngõ xóm, khu dân cư, xã còn vận động phân loại rác tại nguồn, kèm theo đó là hỗ trợ người dân trong các ấp túi đựng rác theo phân loại. Túi đựng rác tự phân hủy có màu xanh chuyên đựng rác hữu cơ, loại rác này xã vận động hộ dân tự xử lý rác tại nhà bằng hình thức chôn lấp, nếu hộ nào không có chỗ xử lý thì đăng ký xã sẽ thu gom đưa về bãi rác tập trung. Túi đựng rác tự phân hủy màu vàng dùng để đựng rác vô cơ khó phân hủy, xã sẽ cho xe thu gom rác này 100%. Đây là việc được thực hiện đồng loạt với quy mô lớn, tạo ý thức cho người dân bước đầu làm quen dần với việc phân loại rác thải tại nhà. Việc thực hiện lấy rác theo màu túi sẽ giúp cho việc lấy rác đúng hộ đăng ký và đúng rác theo phân loại do dễ dàng nhận biết. 02 cuộn túi đựng rác tự hủy, các hộ dân sử dụng được khoảng 02 tháng. Việc thu phí đối với thu gom rác theo mức quy định thu là 20.000/hộ, hộ kinh doanh buôn bán 30.000 tháng/hộ. Hợp tác xã Bình Trung sẽ phối hợp với các ấp và các đơn vị liên quan trên địa bàn xã thu tiền phí thu gom rác của hộ dân và chi hỗ trợ 10% trên tổng số tiền thu được.
Đến nay, xã có được trên 70% hộ dân thu gom rác tập trung, từ đó góp phần hoàn thành tiêu chí số 16 về môi trường trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, cảnh quan môi trường của xã từ ngày triển khai thực hiện mô hình thu gom rác thải đã được cải thiện đáng kể, không phát sinh các bãi rác tự phát như trước đây, giảm thiểu tình trạng xuất hiện các túi rác, bao rác để ở nơi công cộng, nhất là cặp các tuyến đường. Do đảm bảo đúng theo lịch trình lấy rác trực tiếp tại hộ gia đình nên đến ngày lấy rác, người dân mới mang rác để ra trước nhà, do có hỗ trợ túi đựng rác cho người dân nên trong quá trình lấy rác, rác được để trong túi cột kín miệng lại nên đảm bảo được vệ sinh môi trường, không bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Xã cũng đã tự cân đối nguồn thu lệ phí thu gom rác nên tổng số tiền thu được của người dân đủ để chi cho công tác thu gom rác, ngân sách địa phương không phải hỗ trợ cho phần chi này. Xã hợp đồng với Hợp tác xã Bình Trung thực hiện, Hợp tác xã cũng tự thu - tự chi và thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước về thu gom rác.
Mô hình này đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân trên địa bàn xã, hiểu và ý thức được những lợi ích của việc thu gom rác và giữ gìn vệ sinh môi trường, từ đó ý thức của người dân ngày càng được nâng cao hơn, biết phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, không bỏ rác bừa bãi ở nơi công cộng.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang