Lâm Đồng: Hiệu quả từ việc xây dựng mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Thứ 6, 08/12/2023, 10:00 GMT+7

Hàng năm, tại Lâm Đồng, quá trình canh tác nông nghiệp làm phát sinh lượng lớn bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Để quản lý nguồn rác thải này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cùng các huyện, thành phố đã xây dựng nhiều mô hình thu gom loại rác thải này và đã đạt những kết quả tích cực.

Hàng năm, sản xuất nông nghiệp tại Đà Lạt phát sinh khoảng 18,5 tấn bao gói thuốc BVTV, 11,7 ngàn tấn tàn dư cây trồng gồm rác rau, hoa, vỏ cà phê và các rác thải khác như khay, vỉ xốp, màng phủ luống, bao bì phân bón, giống cây trồng. Để quản lý nguồn rác thải, từ năm 2017 đến nay, thành phố Đà Lạt đã triển khai dự án và xây dựng mô hình thí điểm thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại Phường 12; xây dựng 25 Mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường tại 14 Hội Nông dân phường, xã; tập huấn việc sử dụng và thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn thành phố Đà Lạt; tổ chức in và phát tờ rơi tuyên truyền về hướng dẫn sử dụng và công tác thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng... Đồng thời, đã lắp đặt được 479 bể thu gom bao gói thuốc BVTV, lượng bao gói thuốc BVTV thu gom đúng quy định đến năm 2021 đạt 9,7 tấn (chiếm 52,4%), tàn dư cây trồng được thu gom tái sử dụng đạt trên 80%. 

Lâm Đồng thu gom thuốc bảo vệ thực vật

Những năm gần đây, việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV đạt nhiều kết quả tích cực

Ông Đặng Bảo Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân Phường 12 (thành phố Đà Lạt) cho biết, Phường 12 được công nhận vùng nông nghiệp công nghệ cao nên yếu tố về môi trường được quan tâm hàng đầu. Hiện nay, phường có trên 400 ha diện tích canh tác, hằng năm thải ra môi trường khoảng 1 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV. Phường và thành phố đã xây dựng được 45 bể chứa rác thải nông nghiệp, triển khai thực hiện Dự án Nâng cao nhận thức cộng đồng và xây dựng mô hình thí điểm thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng… Những năm gần đây, ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao, những rác thải nguy hại được người dân phân loại và bỏ đúng nơi quy định.

Từ năm 2017 đến nay, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV xây dựng 8 mô hình điểm (50 ha/ mô hình) về thu gom bao gói thuốc BVTV tại các vùng sản xuất rau, hoa, chè, cà phê để các địa phương triển khai nhân rộng, đồng thời cấp phát 10.000 tờ rơi; tập huấn cho 285 cán bộ xã, phường về công tác thu gom bao gói thuốc BVTV; lồng ghép trong 469 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác và hội thảo về thuốc BVTV tuyên truyền để nông dân thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV đúng quy định.

Ngoài ra, từ nguồn ngân sách các địa phương, có 6/12 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch, triển khai lắp đặt hệ thống bể thu gom và hợp đồng với các đơn vị có đủ điều kiện tiêu hủy chất thải nguy hại để xử lý bao gói thuốc BVTV thu gom trên địa bàn. Qua đó, lượng bao gói thu gom đúng quy định hằng năm đạt 33,5 tấn (chiếm 18,1% lượng bao gói thuốc BVTV phát sinh). 

Bà Vũ Thị Thuý - Trưởng Phòng Bảo vệ thực vật - Chi Cục Trồng trọt và BVTV cho biết, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng là loại rác thải nguy hại, nếu tiêu hủy không đúng quy định gây mất mỹ quan, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái. Trong 5 năm triển khai thực hiện kế hoạch thu gom, toàn tỉnh đã lắp đặt được trên 3.000 bể chứa bao gói thuốc BVTV; xây dựng được 22 khu vực lưu chứa; thu gom được trên 130 tấn rác thải, xử lý trên 120 tấn. Qua đó cho thấy việc ô nhiễm mỗi trường từ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng phần nào được cải thiện, ý thức bảo vệ môi trường của người sản xuất nông nghiệp dần được nâng cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, qua số liệu có thể thấy tỉ lệ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom xử lý chưa cao, khoảng 8 - 9%, do đó số lượng bao gói thuốc BVTV sau sử dụng chưa được thu gom xử lý là khá lớn (còn thải bỏ trên ruộng đồng, sông suối, kênh mương hoặc bỏ chung cùng rác thải sinh hoạt). Vì vậy, việc đẩy mạnh hơn nữa công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV là nhiệm vụ xuyên suốt, cần thiết của các địa phương.

Để tăng cường công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV, năm 2022, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV chủ trì phối hợp với Tỉnh Đoàn, UBND các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và thành phố Đà Lạt tổ chức 4 đợt ra quân thu gom xử lý bao gói thuốc BVTV tại các vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, các khu vực đầu nguồn nước (1 quý/lần). Tiếp tục lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn, phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV để hỗ trợ tập huấn, tuyên truyền, xây dựng các mô hình điểm ưu tiên các vùng chưa có bể chứa để địa phương triển khai nhân rộng. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố (đến nay chưa thực hiện công tác thu gom bao gói thuốc BVTV) bố trí kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường của địa phương, xây dựng lộ trình thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV trên địa bàn theo đúng quy định. Để từ đó, việc thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, góp phần bảo vệ môi trường.

Nguồn: Báo Lâm Đồng

Ý kiến bạn đọc