Kon Tum: Giải pháp tăng cường bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ 7, 08/07/2023, 04:40 GMT+7

Ngày 5/7, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Văn bản số 2099/UBND-NNTN về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nêu tại Báo cáo số 373-BC/TU ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Tỉnh ủy trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định pháp luật hiện hành.

Về ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục hoàn thiện bộ máy chỉ đạo, điều hành và quản lý đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước các tác động do biến đổi khí hậu; thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế. Đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đa mục tiêu đang triển khai; rà soát, đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi hiện có, xây dựng mới các công trình thủy lợi để cấp nước tưới và phục vụ sinh hoạt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Hình ảnh minh họa

Đồng thời, nâng cao mức an toàn trong công tác phòng, chống thiên tai, an toàn hồ, đập bằng các công nghệ tiên tiến; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, ưu tiên các giải pháp phi công trình. Chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai để hạn chế thiệt hại về người và tài sản, đảm bảo phát triển sản xuất ổn định, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu.

Về bảo vệ môi trường triển khai thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, cụ thể hóa trách nhiệm của địa phương, làm cơ sở thực hiện công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh. Kết hợp đồng bộ, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo diễn biến chất lượng của môi trường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Quản lý tốt vấn đề thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nhất là về thu gom, phân loại chất thải rắn tại nguồn theo quy định. Tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường (đất, nước, không khí....). Tiếp tục rà soát các đơn vị sản xuất kinh doanh có lưu lượng nguồn thải lớn (nước thải, khí thải) để yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động, kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát theo quy định.

Tiếp tục phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong bảo vệ môi trường; thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư, người dân trong công tác bảo vệ môi trường….

Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường 

Ý kiến bạn đọc