Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về nền kinh tế tuần hoàn!

Thứ 5, 30/06/2022, 01:53 GMT+7

Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về nền kinh tế tuần hoàn (KTTH)  trong bối cảnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

1. HÀ LAN

2. CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC

3. CANADA

4. HỢP CHÚNG QUỐC HOA KỲ

5. CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA

6. NHẬT BẢN

Hà Lan

Điểm khởi đầu của việc  tiếp cận KTTH tại Hà Lan quay trở lại từ năm 1979 khi đề xuất chính sách trong lĩnh vực quản lý chất thải của Ad Lansink được Quốc hội thông qua. Theo đó, đề xuất này cung cấp một hệ thống phân cấp trong phương pháp quản lý chất thải (còn được gọi là “thang Lansink”), ưu tiên ngăn ngừa và hạn chế phát sinh chất thải, thúc đẩy tái sử dụng và tái chế, sau đó là việc xử lý rác bằng phương pháp đốt trước khi áp dụng biện pháp cuối cùng là chôn lấp (Cramer, 2014).

Phải mất 10 năm trước khi các chính sách về phòng ngừa và tái sử dụng chất thải mới được xây dựng. Năm 1990, 30 nguồn chất thải ưu tiên được lựa chọn để triển khai những chương trình xử lý chất thải đầy tham vọng. Những nguồn chất thải này bao gồm từ lốp xe, pin, bao bì đến dầu đã qua sử dụng. Cách tiếp cận mới này của Hà Lan đã kích hoạt việc ngăn chặn, tái sử dụng và tái chế các dòng chất thải một cách rất hiệu quả. Đồng thời, một ngành công nghiệp môi trường mới đã ra đời dựa trên sự phát triển của tất cả các loại công nghệ quản lý và tái chế chất thải.

Mới đây nhất vào ngày 14 tháng 9 năm 2016, trong bối cảnh EU ban hành gói kinh tế tuần hoàn vào năm 2015, Hà Lan chính thức triển khai chương trình toàn Chính phủ cho một nền kinh tế tuần hoàn trong đó hướng đến đưa Hà Lan trở thành một đất nước theo tư duy tuần hoàn vào năm 2050. Tham vọng của chính phủ Hà Lan, cùng với đó là các bên liên quan, nhằm hướng đến mục tiêu (tạm thời) giảm 50% việc sử dụng nguyên liệu thô (khoáng sản, hóa thạch và kim loại) vào năm 2030. Chương trình này bao gồm các mục tiêu hiện tại và thiết lập một kế hoạch thực hiện các bước tiếp theo đến năm 2050. Trong đó vai trò của Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trong việc thiết lập các hành động trong quá trình chuyển đổi nhằm đạt được mục tiêu này. Ngoài vai trò là cơ quan quản lý thị trường và đối tác kết nối, Chính phủ Hà Lan các muốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng KTTH, hướng đến những triển vọng đầy hứa hẹn và dựa trên một cách tiếp cận hệ thống. Trong đó Hà Lan đặt trọng tâm vào việc xây dựng lộ trình thực hiện, về công tác quản lý và trách nhiệm của mọi người.

kinh tế tuần hoàn

Cộng hòa Liên bang Đức       

Đức khởi đầu khá sớm trên con đường hướng tới KTTH. Quốc gia này bắt đầu thực hiện triển khai KTTH vào năm 1996. Điều này được đi kèm với việc ban hành Đạo luật về quản lý chất thải và chu trình khép kín. Luật cung cấp một khuôn khổ để thực hiện quản lý chất thải theo chu trình khép kín và đảm bảo việc xử lý chất thải tương thích với môi trường cũng như khả năng đồng hóa chất thải.

Trong những thập kỷ qua, Đức phát triển các chính sách năng lượng, công nghiệp và môi trường đầy tham vọng ở cấp quốc gia và đóng một vai trò rất mạnh mẽ trong các lĩnh vực này ở cấp độ châu Âu. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khuôn khổ môi trường mạnh mẽ giúp Đức trở thành quốc gia tiên phong trong phát triển bền vững, cho thấy nền kinh tế carbon thấp hiệu quả hơn và tương thích với tăng trưởng (OECD, 2012). Chiến lược quốc gia của Đức vì sự phát triển bền vững, được thông qua năm 2002, đặt ra các nguyên tắc chỉ đạo cho các chính sách quốc gia trong tất cả các lĩnh vực. Mặc dù có nhiều thay đổi của chính phủ, chiến lược này vẫn tồn tại, làm cơ sở cho các mục tiêu và hành động cụ thể và được đánh giá một cách thường xuyên. Trong những thập kỷ qua, Đức đã cố gắng gia tăng đáng kể hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như tách rời việc tiêu thụ năng lượng và khí thải nhà kính ra khỏi sự phát triển kinh tế (Lah, 2016).

Chính phủ Đức đặt ra các mục tiêu tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên nhằm bảo vệ  môi trường một cách toàn diện bao gồm việc giảm chôn lấp, bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng tài nguyên bền vững hơn. Đặc biệt, sự bền vững là nguyên tắc cơ bản trong chính sách của Đức. Một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi của quốc gia này sang một xã hội bền vững chính là việc áp dụng phương pháp tiếp cận thực hiện KTTH.

Ở cấp độ châu Âu, một số khung khổ pháp lý đã được thông qua để thúc đẩy nền KTTH khu vực, như Chỉ thị khung chất thải, Chỉ thị chôn lấp và Chỉ thị chất thải bao bì và bao bì. Theo đó, Đức áp dụng một số chiến lược để thúc đẩy cách tiếp cận thực hiện KTTH ở cấp quốc gia, bao gồm việc giảm thiểu chất thải, tái sử dụng, tái chế và đốt rác thải để sản xuất điện và nhiệt. Một nền tảng của khung chính sách tái chế của Đức là đạo luật về đóng gói (Verpackungsverordnung), được thông qua vào năm 1991 (Lah, 2016).

Đức cam kết giảm 40% lượng khí thải nhà kính nếu các quốc gia thành viên EU khác đồng ý với mục tiêu giảm 30% của EU vào năm 2020. Khung của mục tiêu toàn nền kinh tế này được gọi là Chương trình Năng lượng và Khí hậu Tích hợp của Đức, đưa ra các biện pháp chính sách cho ngành năng lượng. Một số chính sách để thực hiện các mục tiêu này bao gồm các biện pháp chính như Đạo luật Năng lượng tái tạo (Erneuerbare-Energiene-Gesetz, EEG) và cải cách thuế sinh thái.

Canada

Từ trước đến nay, việc tiếp cận của Canada về KTTH thường bị lu mờ bởi các mục tiêu quốc gia này về vấn đề biến đổi khí hậu và tăng trưởng sạch. Cho đến nay, Canada vẫn chưa đưa ra một chiến lược về KTTH tích hợp, toàn diện và việc hợp tác nhằm thúc đẩy triển khai KTTH với nơi khác.

Canada tiến hành tiếp cận KTTH bằng việc thành lập Hội đồng không chất thải quốc gia (The National Zero Waste Council). Đây được coi là một sáng kiến lãnh đạo tập hợp chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ để thúc đẩy ngăn chặn sự xả thải và chuyển dịch sang nền KTTH ở Canada.

Thông qua việc tập trung vào phòng ngừa chất thải và hợp tác liên ngành, Hội đồng được coi là tác nhân thay đổi ở Canada - thúc đẩy sự đổi mới trong thiết kế, sản xuất và sử dụng hàng hóa để hỗ trợ nền KTTH. Bằng cách đưa ra những hành động cụ thể đối với các chủ thể thúc đẩy phát sinh chất thải, Hội đồng đã và đang hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống, đem tới sự bền vững cho môi trường và thịnh vượng cho nền kinh tế, giảm tải việc tiêu thụ tài nguyên và năng lượng.

Được thành lập bởi Metro Vancouver phối hợp với Liên đoàn các đô thị Canada vào năm 2013, Hội đồng đã hợp nhất, cùng với những khu vực khác, sáu khu vực đô thị lớn nhất của Canada bao gồm Metro Vancouver, Toronto, Montreal, Halifax, Calgary và Edmonton - với các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp, các học viện và các tổ chức phi lợi nhuận nhằm kêu gọi hành động ở phạm vi quốc gia và việc thay đổi các hệ thống để nhằm giải quyết vấn đề phát sinh chất thải.

Với mục tiêu một Canada thống nhất trong hành động để đạt được mức phát thải bằng không cho thế hệ bây giờ và mai sau. Hội đồng triển khai hành động hợp tác với doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng, ở cấp quốc gia và quốc tế, như một tác nhân thay đổi để ngăn chặn và giảm chất thải ngay từ khâu thiết kế, sản xuất và cho đến cả sử dụng hàng hóa.

Nguyên tắc hướng dẫn được Hội đồng đề ra trong việc triển khai KTTH ở Canada như sau:

Cam kết hợp tác làm việc với các đối tác kinh doanh, chính phủ và cộng đồng để phát triển các giải pháp mới;

Áp dụng khuôn khổ ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải, đặt các thành phố và doanh nghiệp Canada nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu trong bối cảnh một nền kinh tế hạn chế về tài nguyên;

Phù hợp với các sáng kiến toàn cầu và quốc tế;

Thúc đẩy lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường liên quan đến việc bảo tồn tài nguyên;

Xem xét hậu quả ở cấp độ quốc gia và toàn cầu cùng với các tác động lâu dài;

Ngoài ra, hai định hướng chiến lược cũng được Hội đồng đề ra cho việc triển khai KTTH đó là:

Thay đổi thiết kế: Thay đổi thiết kế sản phẩm và bao bì để giảm mức độ sử dụng vật chất và cho phép chúng có thể dễ dàng tái sử dụng, tái chế và thu hồi;

Thay đổi hành vi: Thay đổi xúc tác trong hành vi, giữa tất cả các bên liên quan và các lĩnh vực của xã hội, với mục tiêu giảm lượng chất thải đầu ra;

Ngày 28 tháng 11 năm 2018, dựa theo những nguyên tắc và định hướng mà Hội đồng đề ra, Chiến lược quốc gia về Không Chất thải nhựa được đưa ra bởi Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada (ECCC) và Bộ Y tế Canada (HC) tại hội thảo với nhiều bên liên quan về kế hoạch quản lý hóa chất Canada ở Ottawa với tầm nhìn giữ tất cả nhựa trong nền kinh tế và ra khỏi môi trường bằng cách sử dụng cách tiếp cận KTTH.

Trong khi các chương trình quản lý chất thải trong quá khứ được đưa ra ở Canada, vẫn có hơn 89% nhựa được chôn lấp và đem đi đốt. Nhằm cải thiện tình hình trên, Chiến lược mới đưa ra một hệ thống tích hợp bao gồm ba lĩnh vực hoạt động: phòng ngừa, thu hồi dọn dẹp và phục hồi giá trị.

Hệ thống này sẽ được hỗ trợ bằng cách cho phép các hoạt động, bao gồm nâng cao nhận thức và giáo dục, nghiên cứu và đổi mới, các quy định và công cụ dựa trên thị trường. Thiết kế các sản phẩm nhựa sẽ trở thành một trong những hành động ưu tiên góp phần vào mục tiêu chung là các sản phẩm nhựa tái chế và tái chế 100%. Canada cũng có kế hoạch giảm lượng nhựa thải điện tử xuất khẩu sang các nước khác với mục đích tái chế nhiều hơn trong nước (CCME, 2018).

Hợp chúng quốc Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, KTTH được hình thành trên cơ sở cách tiếp cận dựa vào thị trường. Cách tiếp cận dựa vào thị trường (Market-Based Approaches - MBAs), là ngoài nhà nước, các chủ thể thị trường khác như doanh nghiệp và tổ chức có tư cách pháp nhân được tự do tham gia kinh doanh và cung cấp các hàng hoá và dịch vụ (kể cả các hàng hoá và dịch vụ về bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu) theo quy luật cung - cầu của thị trường. Đặc biệt, cách tiếp cận thị trường khuyến khích các hành vi thông qua các tín hiệu thị trường hơn là các hướng dẫn, chỉ thị của Nhà nước. Chính sách của Hoa Kỳ thiên về việc khuyến khích các sáng kiến tuần hoàn và nhân rộng các điển hình tuần hoàn tốt.

Thị trường rác thải điện tự tại Bang Colorado là một ví dụ điển hình của cách tiếp cận này để xây dựng KTTH. Cụ thể, năm 2013, việc chôn lấp rác thải điện tử bị cấm tại Bang Colorado. Ngay lập tức đã xuất hiện các doanh nghiệp đứng ra thu gom và tái chế rác thải điện tử. Như vậy, một thị trường với người mua là các hộ gia đình và người bán là các công ty cung cấp dịch vụ đã được hình thành. Kết quả là môi trường được bảo vệ, xã hội có thêm công ăn việc làm, Nhà nước không mất chi phí xử lý ô nhiễm do rác thải điện tử và rác thải được tuần hoàn xử lý (Nam, Huê, & Nhạn, 2018). Việc các thị trường tương tự như vậy liên tục được hình thành đã khiến thu gom và xử lý rác thải trở thành một lĩnh vực sôi động và lợi nhuận cao đối với các nhà đầu tư tại Mỹ, từ đó xuất hiện các tỷ phú rác nổi tiếng như Wayne Huizenga của Công ty Quản lý chất thải (Waste Management) và Maria Rios của Công ty Chất thải quốc gia (Nation Waste).

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia đầu tiên đưa ra các chính sách một cách chính thức về KTTH ở cấp độ quốc gia (Reike, Vermeulen, & Witjes, 2018). Trung Quốc triển khai nền KTTH bằng cách đưa nó vào các kế hoạch của chính phủ trong một số năm gần đây với ưu tiên chính nhằm vào cấp độ các thành phố. Theo đó, Trung Quốc triển khai KTTH trên toàn bộ nền kinh tế một có hệ thống ở ba cấp độ đã được định hình: quy mô vĩ mô (thành phố, tỉnh và huyện), trung gian (khu vực cộng sinh) và quy mô vi mô (đối tượng cụ thể như doanh nghiệp) với một số lĩnh vực trọng tâm chính trong các hệ thống công nghiệp, môi trường xây dựng, cơ sở hạ tầng đô thị và hệ sinh thái.

Chiến lược KTTH của Trung Quốc được triển khai ở ba cấp độ: Thúc đẩy sản xuất sạch ở phạm vi doanh nghiệp, trong các khu công nghiệp triển khai hệ sinh thái công nghiệp, ở cấp khu vực phát triển các thành phố sinh thái. Chiến lược này đã được thử nghiệm trong bảy lĩnh vực công nghiệp và được thực hiện tại 13 khu công nghiệp, và kể từ năm 2005, tại 10 thành phố sinh thái và tỉnh sinh thái (Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Quý Dương, Ninh Ba, Hà Bắc, Đồng Lăng, Liêu Ninh, Sơn Đông và Giang Tô) dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.

 Việc xây dựng một thành phố sinh thái về cơ bản bao gồm ba khía cạnh chính của nền KTTH:

Hệ thống công nghiệp của nền KTTH (công nghiệp sinh thái, nông nghiệp sinh thái và ngành dịch vụ);

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, trong đó nổi bật là sử dụng tuần hoàn nước, năng lượng và chất thải rắn;

An ninh sinh thái với việc xuất hiện các tòa nhà xanh, việc nâng cao chất lượng môi trường sống và bảo vệ môi trường;

Một ví dụ cụ thể ở đây được kể đến đó chính là trường hợp của Thành phố sinh thái Quý Dương. Ở đây các hệ thống công nghiệp đã được tối ưu hóa nhằm đạt được việc sử dụng vật liệu và năng lượng hiệu quả hơn. Quý Dương là một trong những thành phố đông dân nhất cả nước, với dân số 3,25 triệu người và diện tích 8046 km2. Một dự án thí điểm khu liên hợp công nghiệp của thành phố bao gồm bốn lĩnh vực ưu tiên: công nghiệp hóa chất phốt pho, công nghiệp hóa chất than, clo-kiềm, nhà máy điện và cùng với đó là hệ thống tuần hoàn các sản phẩm phụ giữa các nhà máy với nhau.

Khía cạnh pháp luật cũng được Trung Quốc nhấn mạnh trong chiến lược tiếp cận của họ. Một số vấn đề liên quan đến pháp luật, ví dụ như các quy tắc mà luật pháp yêu cầu, khả năng cơ động, sự tham gia của người dân và bài học kinh nghiệm của các nước phát triển phải được giải quyết một cách hiệu quả. Ngoài ra, thực tiễn từ Trung Quốc cũng chỉ ra việc cần thiết phải xây dựng một hệ thống đánh giá khoa học hiệu quả để có được thông tin chính xác và nhằm cải thiện hướng dẫn. Các chỉ số đánh giá nên bao gồm chỉ số phát triển kinh tế, chỉ số phát triển xanh và chỉ số phát triển con người.

sơ đồ giải pháp quản lý chất thải bền vững

Sơ đồ: Giải pháp quản lý chất thải bền vững

Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng một khung pháp lý toàn diện nhằm đưa đất nước này hướng tới một xã hội dựa trên việc tái chế. Đạo luật về việc thành lập một xã hội dựa trên tái chế (The Basic Law for Establishing a Recycling-Based Society) có hiệu lực vào năm 2002 cung cấp các mục tiêu định lượng để tái chế và phi vật chất hóa trong dài hạn cho xã hội Nhật Bản.

Nhờ vậy, tỷ lệ tái chế của Nhật Bản thực sự đáng kinh ngạc: Nước này tái chế  tới 98% kim loại (Government of Japan, 2010) và trong năm 2007, chỉ có 5% chất thải của Nhật Bản phải sử dụng phương pháp chôn lấp, so với con số 48% đối với Vương quốc Anh vào năm 2008. Luật tái chế thiết bị Nhật Bản của Nhật Bản đảm bảo rằng phần lớn các sản phẩm điện và điện tử được tái chế, so với con số 30% - 40% ở Châu Âu (Government of Japan, 2010). Trong số các thiết bị này, 74% – 89% vật liệu chứa trong đó được thu hồi (Forum, 2012). Quan trọng hơn, nhiều trong số các vật liệu này được quay trở lại phục vụ cho mục đích sản xuất các sản phẩm cùng loại (Panasonic, 2013). Tất cả những điều này tạo tiền đề cho Nhật Bản triển khai một nền kinh tế thực sự tuần hoàn.

Nhật Bản đã cố gắng đạt được một nền KTTH kể từ năm 1991, lâu hơn bất kỳ một quốc gia nào khác và được thúc đẩy bởi một số yếu tố:

Thứ nhất, Nhật Bản có mật độ dân số cao và bị hạn chế về đất dành cho chôn lấp, một phần do địa hình núi lửa và núi non. Điều này buộc người Nhật phải tìm giải pháp thay thế cho việc chôn lấp ngay từ những năm 1950 và tránh xa việc đốt rác từ những năm 1990 sau những lo ngại về điôxin (có thể can thiệp vào hormone, làm hỏng hệ thống miễn dịch, gây ra các vấn đề về sinh sản và phát triển và ung thư);

Thứ hai, Nhật Bản là một quốc gia sản xuất công nghiệp lớn nhưng lại có nguồn tài nguyên khoáng sản và kim loại trong nước rất hạn chế, điều này làm cho việc tái sản xuất và tái chế trở thành một lĩnh vực đầy hứa hẹn. Việc tiếp cận nguồn nguyên liệu thô ở Nhật Bản đối với chính sách công cho nền KTTH được coi là hết sức quan trọng;

Thứ ba, văn hóa kinh doanh Nhật Bản nhấn mạnh sự hợp tác. Kết quả là một cách tiếp cận toàn diện, cả để đo lường và hành động.

Ở cấp quốc gia, cách đo lường của Nhật Bản đối với KTTH bao gồm:

Một chỉ số năng suất tài nguyên đo lường việc sử dụng vật liệu theo tỷ lệ GDP;

Một chỉ số cho tỷ lệ sử dụng vật liệu theo chu kỳ trong nền kinh tế, được đo bằng vật liệu được sử dụng lại theo tỷ lệ của tổng số vật liệu được sử dụng bởi nền kinh tế; và

Một chỉ số đầu ra, đo lường bao nhiêu chất thải cuối cùng được chôn lấp.

Các chỉ số này đều đi kèm với mục tiêu liên quan đến nó. Nhật Bản bổ sung những điều này bằng một loạt các phép đo cụ thể theo ngành, đôi khi có những mục tiêu cụ thể trong ngành.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đo lường các chỉ số về nỗ lực xã hội đối với nền KTTH, xem xét đến quy mô của thị trường cho thuê hàng hóa, số lượng bao bì tái sử dụng được bán, số lượng chính quyền địa phương tính phí cho việc thu gom chất thải dư thừa và thậm chí là doanh số bán đũa dùng một lần như là một cách đo thay thế cho tỷ lệ dân số sử dụng đũa có thể tái sử dụng.

Khi nói đến việc thực sự làm cho nền KTTH có thể hoạt động, tính toàn diện và hợp tác là trái tim của hệ thống tuần hoàn tại Nhật Bản. Cộng đồng cũng đóng một vai trò quan trọng bằng cách tách rời các vật liệu tái chế, trả phí tái chế trực tiếp và giữ các công ty để hạch toán khi cần thiết. Các nhà sản xuất thực hiện nghĩa vụ của họ bằng cách sử dụng nhiều vật liệu tái chế hơn và tạo ra các sản phẩm lâu dài hơn, dễ sửa chữa và tái chế hơn.

Hệ thống KTTH ở Nhật Bản có ba tính năng chính:

Hệ thống thu hồi thân thiện với người tiêu dùng: hệ thống thu thập các thiết bị cũ để tái chế rất toàn diện và dễ sử dụng đến nỗi việc không tái chế còn khó hơn là tái chế chúng. Các thiết bị cũ được thu thập bởi các nhà bán lẻ trong cửa hàng hoặc khi giao một thiết bị mới. Đối với thiết bị công nghệ cũ, nhà sản xuất có thể được yêu cầu thu thập nó bởi chính quyền địa phương từ chính cửa nhà, hoặc nó có thể được đưa đến bất kỳ bưu điện nào để trả lại cho họ. Đây là một thói quen được hình thành trên khắp Nhật Bản, điều này khiến cho tư duy về KTTH được hiểu rõ và được sử dụng rộng rãi.

Người tiêu dùng trả phí trước: đối với thiết bị điện tử, các chi phí vận chuyển và phục hồi được thanh toán tại điểm mua, ngoài ra hình phạt cho việc vứt rác bừa bãi cũng được tăng cao.

Cơ sở hạ tầng tái chế là đồng sở hữu: luật pháp yêu cầu liên minh các nhà sản xuất điều hành các nhà máy tháo gỡ, đảm bảo họ được hưởng lợi trực tiếp từ việc thu hồi vật liệu và các bộ phận. Do đó, các công ty đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng tái chế. Và bởi vì họ sở hữu cả các cơ sở sản xuất và phục hồi, các công ty gửi các nhà thiết kế sản phẩm đến các nhà máy tháo gỡ để tiết kiệm thời gian khi phải tách rời một sản phẩm được thiết kế kém. Một số công ty thậm chí còn đưa các nguyên mẫu qua quy trình tháo gỡ để đảm bảo chúng có thể dễ phục hồi.

Hệ thống triển khai KTTH của Nhật Bản được xây dựng dựa trên giả định hợp tác, nhưng hệ thống này cũng khuyến khích mọi người làm điều đúng đắn. Kết quả là việc áp dụng các triết lý của KTTH không chỉ giúp các hoạt động kinh tế một cách trơn truy mà còn mang lại lợi nhuận khổng lồ: nền kinh tế tái sử dụng và tái chế của Nhật Bản trị giá 163 tỷ bảng năm 2007 (7,6% GDP) và tạo ra việc làm cho hơn 650.000 người (Government of Japan, 2010).

Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT

Ý kiến bạn đọc