Bên cạnh những công ty làm giàu từ rác thải, nhiều nhà khởi nghiệp đã và đang đi theo xu hướng kinh tế tuần hoàn, chú trọng vấn đề môi trường trong sản xuất. Khởi nghiệp trong nền kinh tế rác thải cũng đang là xu hướng tại Đông Nam Á
Đồ gia dụng tái tạo 100% từ rác thải nhựa
Từng ám ảnh bởi rác thải nhựa trong chuyến du lịch thời thơ ấu, Syukriyatun Niamah đã thành lập công ty ngăn chặn phế liệu. Nữ CEO 28 tuổi có ý tưởng bảo vệ môi trường bằng cách biến rác thải thành nội thất và những đồ dùng nhỏ gọn trong gia đình. Niamah đã tiến hành nghiên cứu mọi yếu tố liên quan đến rác thải trước khi thành lập công ty khởi nghiệp vào năm 2018.
Để đảm bảo sản phẩm được khách hàng yêu thích, nữ doanh nhân người Indonesia đã vận dụng kỹ năng để thử nghiệm các quy trình tái chế, đảm bảo sự hữu dụng của các đồ dùng từ rác thải. Theo Niamah, đồ gia dụng tái chế có giá đắt hơn so với mặt bằng chung song nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phong trào sống không rác thải. “Một chiếc ghế đẩu làm hoàn toàn bằng nhựa tái chế được bán trực tuyến với giá 626.000 rupiah Indonesia (41 USD), một bộ bốn chiếc đế lót ly có giá 150.000 rupiah (10 USD)”, Niamah chia sẻ.
Công ty của Niamah đang tìm kiếm tài trợ loại B trị giá 250.000 USD để có thể tái chế 4 loại chất thải nhựa: Polypropylen, polyetylen mật độ cao, polyetylen mật độ thấp và polystyrene tác động cao.
“Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng hệ thống tái chế với quy trình hiệu quả hơn. Mỗi sản phẩm được tung ra thị trường đều mang thông điệp mới về rác thải nhựa với hy vọng có thể thay đổi suy nghĩ của mọi người về hành vi tiêu dùng”.
Nam Á và Đông Nam Á sử dụng nhựa dùng một lần nhiều hơn phần còn lại của thế giới
Prak Kodali, CEO Công ty Công nghệ sinh học pFibre trụ sở Singapore nhận định: “So với phần còn lại của thế giới, Nam Á và Đông Nam Á sử dụng nhựa dùng một lần nhiều hơn do giá cả phải chăng và sự tiện lợi. Chính vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp tại ASEAN tham gia quá trình thúc đẩy "nền kinh tế tuần hoàn" bằng cách tái chế. “Chúng tôi đang cố gắng thay thế màng nhựa bằng một hợp chất có thể phân hủy sinh học 100%. Chúng có thể biến mất ở bất cứ đâu và không gây ra bất kỳ chất độc hại nào trong quá trình phân huỷ”, Kodali nói thêm
Tại Việt Nam, ReForm Plastic hoạt động nhượng quyền thương mại ở Đông Nam Á và xa hơn là xử lý nhựa giá trị thấp thành vật liệu xây dựng. Bằng cách sử dụng kỹ thuật ép nén, ReForm Plastic chuyển đổi nhựa thành các tấm ván dùng như vật liệu cơ bản để các nhà sản xuất tạo hình thành mặt hàng tiêu dùng giống gỗ, kim loại hoặc bìa cứng.
Nhựa được ước tính chiếm 80% tổng số rác thải trong các đại dương
“ReForm Plastic đã chuyển đổi hơn 500 tấn nhựa thấp và không có giá trị thành các sản phẩm hữu ích.
Chúng tôi đang đặt mục tiêu mở 100 cơ sở trên khắp thế giới, sử dụng hơn 2.500 công nhân, đồng thời xử lý 100.000 tấn chất thải nhựa hàng năm vào năm 2030”, Kasia Weina, người đồng sáng lập ReForm Plastic thông tin.
Circulate Initiative, tổ chức phi lợi nhuận giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương tại Nam và Đông Nam Á cho biết, có hơn 11 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm, và dự kiến con số ấy sẽ tăng gấp ba lần trong năm 2040. Người đại diện Circulate Initiative nhận định: “Nhựa có thể mất hàng trăm năm để phân hủy và thải ra khí độc trong suốt vòng đời của nó. Vậy nên việc xóa sổ ô nhiễm nhựa tại Ấn Độ và Indonesia vào năm 2030 sẽ góp phần loại bỏ hơn 150 triệu tấn khí thải nhà kính”.
Thách thức đối với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tái chế là huy động vốn vào thời điểm giới đầu tư đang bị cản trở bởi những bất ổn kinh tế, lãi suất tăng và áp lực lạm phát.
Theo báo cáo của Refinitiv, hoạt động giao dịch liên quan đến các công ty bền vững đã giảm 24% vào năm 2022 xuống còn 159,3 tỉ USD, mức thấp nhất trong hai năm gần đây.
Nguồn: Báo Lao Động