Theo kế hoạch, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Khánh Hòa sẽ xây dựng và lắp đặt 810 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đảm bảo yêu cầu về vị trí, khoảng cách theo quy định nhằm hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường.
Theo ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Khánh Hòa cho biết: Hiện nay, diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khoảng 100.000 ha (bao gồm cây hàng năm và cây lâu năm). Để phòng trừ sinh vật gây hại, người dân đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây trồng. Mỗi năm lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sử dụng trên địa bàn tỉnh khoảng 300-350 tấn, lượng bao gói thuốc BVTV chiếm khoảng 10% (tương đương 30 – 35 tấn/năm).
Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Khánh Hòa sẽ xây dựng và lắp đặt 810 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Với diện tích gieo trồng và lượng bao thuốc BVTV như vậy, theo quy định hiện nay, tại các cánh đồng, vườn cây, nương rẫy trên địa bàn tỉnh cần khoảng 20.000 bể chứa để thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ lắp đặt được 110 bể chứa, đây là con số rất thấp so với nhu cầu thực tế.
Cùng với vấn đề thiếu các bể chứa bao gói thuốc BVTV thì người dân vẫn chưa nhận thức được hết ý nghĩa của việc thu gom bao thuốc BVTV qua sử dụng, dẫn đến tình trạng một số người dân sau khi phun rải thuốc xong, bao gói, chai lo thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi trên đồng ruộng hoặc những nơi tiện tay, không bỏ vào đúng nơi theo quy định.
Với thực trạng đó, ngày 30/8, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Kế hoạch nhân rộng mô hình hướng dẫn, tuyên truyền sử dụng thuốc BVTV an toàn và thu gom bao thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo đó, kế hoạch tập trung các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng thuốc BVTV và tác hại của việc thải bỏ bao thuốc BVTV sau sử dụng trên đồng ruộng và những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Cụ thể, giai đoạn 2022-2025, sẽ xây dựng và lắp đặt 810 bể chứa trên các cánh đồng, mỗi bể có dung tích 1m3 bằng vật liệu xi măng, cát, có đáy và nắp đậy, đảm bảo không thấm nước, bên ngoài bể chứa có ghi dòng chữ “Bể chứa bao thuốc BVTV sau sử dụng” và biểu tượng cảnh báo nguy hiểm theo quy định. Trong đó, năm 2022 xây dựng 60 bể, từ năm 2023 đến 2025 mỗi năm xây dựng 250 bể.
Cùng với đó, cơ quan chuyên môn sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV. Đó là: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng nồng độ liều lượng. 4.500 người sẽ được tập huấn hướng dẫn thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; 47 pano, 4.500 tờ rơi và 4.500 sổ tay tuyên truyền tập trung vào các nội dung nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người về các nguy cơ do hóa chất BVTV.
Ngoài ra, với lượng thuốc BVTV còn dính lại trong bao bì, chai lọ do không được súc rửa hết thuốc còn lại trước khi vứt bỏ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo kế hoạch được duyệt, ngân sách tỉnh dành hơn 5 tỷ đồng để triển khai, trong đó có hơn 3 tỷ đồng dành để xây các bể chứa. Nhằm thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trên, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch đúng tiến độ và hiệu quả. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
Sở Tài Nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
Đối với các sở, ban, ngành, địa phương, hội, đoàn thể có liên quan cần thực hiện tốt việc tổ chức tuyên truyền, vận động các hội viên và nhân dân chấp hành tốt quy định về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng nơi quy định…
Nguồn: Tạp chí điện tử kinh tế môi trường