Hội Nông dân xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) triển khai mô hình những cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật đến các hội viên nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” góp phần làm thay đổi thói quen của bà con, giúp cánh đồng thêm xanh, sạch, đẹp.
Theo chân anh A Việt chủ tịch Hội Nông dân xã Rờ Kơi, chúng tôi đến thăm mô hình cánh đồng lúa không vỏ thuốc bảo vệ thực vật (mô hình) ở thôn Ya Xiêng. Dọc theo tuyến đường bê tông vào khu sản xuất của thôn, cánh đồng bao la hiện ra xanh mướt. Không như nhiều cánh đồng khác lốm đốm bao bì, vỏ hộp thuốc vương vãi, nơi đây không có gì khác ngoài màu xanh của lúa.
Ông A Phêm thay đổi thói quen vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường
Thấy tôi khen cánh đồng sạch, đẹp, anh A Việt lý giải: Thực hiện Cuộc vận động do UBND xã triển khai, Hội Nông dân xã đã đưa ra nhiều cách làm, mô hình, trong đó có mô hình cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật là thiết thực và phù hợp với người địa phương nơi đây. Mô hình được triển khai vào tháng 11/2021 và nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của bà con.
Mô hình được triển khai tại 3 thôn trong xã. Ở những nơi triển khai, Hội Nông dân sẽ xây dựng một bể chứa rác thải, ghép lại từ hai tấm bi cống, sau đó khoét một lỗ hình vuông để bỏ rác, bên trên có nắp đậy. Dưới chân bể xây một lớp nền xi măng vừa giúp giữ cố định bể, vừa không để chất thải thấm qua.
Từ ngày triển khai mô hình, chị Sen (thôn Ya Xiêng) đã thay đổi thói quen mỗi khi ra đồng. Chị Sen chia sẻ: Được sự vận động của chính quyền địa phương, nhận thức được ý nghĩa của mô hình, tôi đã thay đổi thói quen, từ việc vứt vỏ thuốc bừa bãi ra suối Đăk Hlang sang vứt vào bể chứa. Điều này không chỉ giúp giữ gìn vệ sinh cánh đồng thêm sạch đẹp mà còn bảo vệ nguồn nước suối sạch sẽ cho mọi người trong làng sử dụng. Chị Sen là 1 trong 30 hộ ở thôn Ya Xiêng đăng ký tham gia mô hình ngay từ khi xã triển khai. Cả 30 hộ cùng nhau đồng thuận ký cam kết sẽ nghiêm túc thực hiện mô hình, cam kết sẽ không còn vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên hơn 6 ha đồng lúa, cùng chung tay vì một cánh đồng sạch.
Còn tại thôn Khơk Klong, sau khi nghe Hội Nông dân xã triển khai mô hình, 20 hộ dân đã tự nguyện đăng ký tham gia, không chỉ những hộ trồng lúa, mà những hộ trồng cà phê cũng tham gia mô hình. Đến tham quan bể chứa tại thôn này, chúng tôi đã rất vui khi vô tình chứng kiến ông A Phêm lưng thì đeo bình thuốc, tay thì xách túi vỏ thuốc bảo vệ thực vật, tiến đến vị trí bể chứa và thả vào đó.
Chia sẻ với chúng tôi, ông A Phêm kể: Nguồn nước này người dân hay bắt cá và sử dụng, nếu vứt vỏ thuốc bừa bãi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng. Không những thế, vứt rác bừa bãi trên bờ ruộng còn gây mất mỹ quan cho cánh đồng. Tôi thấy mô hình này rất thiết thực với bà con, bể chứa được đặt trên đường đi làm nên rất thuận tiện cho việc vứt rác.
Ông A Việt chủ tịch Hội Nông dân xã Rờ Kơi cho biết: Thôn còn lại được triển khai mô hình là Đăk Tang, với 10 hộ tham gia trên khoảng 4,5 ha lúa. Để mô hình đi sâu vào nhận thức của bà con, Hội tổ chức tuyên truyền hằng tháng, đồng thời cắt cử người đến thu gom vỏ thuốc bên trong bể. Qua gần 6 tháng triển khai, mô hình đã làm thay đổi thói quen của bà con, không còn vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng, từ đó giúp giữ gìn vệ sinh nguồn nước, giúp cánh đồng luôn xanh, sạch, đẹp.
Nguồn: Kon Tum Online