Huyện Cai Lậy: Chú trọng thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

Thứ 4, 22/11/2023, 09:58 GMT+7

Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, huyện Cai Lậy khuyến khích nông dân nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn, chú trọng công tác thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cai Lậy phối hợp thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc BVTV tại xã Cẩm Sơn.

Xã Long Tiên có hơn 1.400 ha vườn cây ăn trái, trên 95% diện tích được nông dân chuyên canh cây sầu riêng. Nhằm hạn chế tình trạng rác thải nông nghiệp ảnh hưởng đến môi trường, xã Long Tiên đã xây dựng 47 bể chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng tại các địa điểm thuận tiện, vận động nông dân thu gom, phối hợp tiêu hủy đúng quy định. Trong 03 năm qua, mô hình thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV đã tạo chuyển biến về ý thức bảo vệ môi trường của nông dân.

Canh tác 06 công vườn chuyên canh sầu riêng ở ấp Mỹ Thạnh B, xã Long Tiên, ông Võ Văn Bảy chia sẻ: "Trước đây, tình trạng nông dân sau khi phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đã vứt vỏ bao, chai lọ đựng thuốc tại vườn, bờ mương khá phổ biến, nhưng hiện nay ý thức mọi người đã thay đổi. Sau mỗi đợt chăm sóc vườn cây, tôi đều gom vỏ chai, bao bì đem đến các bể chứa gần đó để hạn chế gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh".

Huyện Cai Lậy có hơn 15.600 ha vườn cây ăn trái với diện tích sản xuất lúa và cây màu hàng năm hơn 19.000 ha. Mỗi vụ sản xuất, nông dân sử dụng một lượng lớn thuốc BVTV, nếu bao bì, chai lọ không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Giải quyết vấn đề này, Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Cai Lậy đã phối hợp tuyên truyền, triển khai công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đúng quy định. Toàn huyện đã xây dựng 1.237 bể chứa với thể tích từ 01 - 03m3 và bố trí tại các địa điểm gần khu vực sản xuất, đường giao thông. Trong 03 năm, huyện Cai Lậy đã tổ chức thu gom, xử lý hơn 55,5 tấn bao bì các loại, đạt tỷ lệ 75,01% lượng bao bì thuốc BVTV được thải ra môi trường.

Ông Huỳnh Văn Toàn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cai Lậy cho biết: "Đơn vị được giao vai trò là đầu mối phối hợp tiếp nhận, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Mỗi năm, chúng tôi tổ chức 02 đợt thu gom, tiêu hủy bao bì trên địa bàn 16 xã. Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các đoàn thể đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân thu gom về các bể chứa. Hoạt động này đã góp phần hạn chế tác hại của rác thải nông nghiệp đối với môi trường. Số lượng bao bì được xử lý qua các năm đều tăng, điều đó cho thấy người dân đã ý thức được sự nguy hại của bao bì thuốc BVTV nếu không được xử lý đúng quy định".

Xây dựng bể chứa bao bì thuốc BVTV là cách làm hiệu quả để khắc phục tình trạng rác thải nông nghiệp vứt bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực nhưng việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn huyện Cai Lậy vẫn còn nhiều hạn chế, như: Một số hộ tiêu hủy bao bì thuốc BVTV cùng với rác thải sinh hoạt, bỏ lẫn rác sinh hoạt vào các bể chứa gây khó khăn cho việc phân loại, bể chứa bố trí ở địa điểm chưa hợp lý gây khó khăn cho công tác thu gom, các đợt tiêu hủy chưa đáp ứng lượng bao bì thuốc BVTV thải ra môi trường...

Để bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về việc thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc BVTV đúng quy định, không lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, quản lý và phát huy hiệu quả các bể chứa, tăng cường hoạt động thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc BVTV hàng năm...

Nguồn: www.tiengiang.gov.vn

Ý kiến bạn đọc