Hướng đến mô hình nông nghiệp không chất thải tại Tỉnh Tuyên Quang!

Thứ 6, 01/12/2023, 08:36 GMT+7

Quá trình sản xuất nông nghiệp đã phát sinh ra rất nhiều rác thải, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, môi trường sản xuất. Giảm tải chất thải, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang cùng bà con nông dân thu gom, xử lý, tái tạo chất thải phục vụ trở lại cho sản xuất.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trong sản xuất khoảng 700 tấn và ước tính lượng vỏ bao bì xả ra môi trường khoảng 60 tấn. Cùng với đó, chăn nuôi phát triển trở thành ngành sản xuất chính, tuy nhiên lượng chất thải từ quá trình chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn đang là bài toán khó của nhiều địa phương. Ngoài ra còn rất nhiều chất thải hữu cơ từ phế, phụ phẩm nông nghiệp. 

Hướng đến mô hình nông nghiệp không chất thải tại Tỉnh Tuyên Quang!

Người dân xã Thái Long (TP Tuyên Quang) thu gom rác thải là vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Bảo vệ môi trường sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng nông dân bảo vệ môi trường, hoạt động thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật được tổ chức hàng năm. Sở cũng hỗ trợ các địa phương lắp đặt các bể chứa trên khắp các cánh đồng để bà con thuận lợi trong việc thu gom rác thải nguy hại. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, đã có trên 5.400 bể chứa; 41 kho được xây dựng, lắp đặt; 23.000 tấn bao bì, thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, tiêu hủy theo đúng quy định.

3 năm nay mỗi khi phải phun thuốc trừ sâu cho cây trồng, chị Lộc Thị Kim Tuyến, thôn Hòa Mục 2, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) gom nhặt lại tất cả các vỏ bao bì cho vào các bể chứa. Chị Tuyến cho biết, thu gom được rác thải nguy hại sẽ giúp môi trường sản xuất sạch sẽ; trâu, bò chăn thả không lo ăn, uống phải bị ngộ độc nữa.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ngoài triển khai thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, ngành cũng chuyển giao, khuyến khích bà con nông dân chế biến thuốc bảo vệ thực vật bằng các loại dược liệu: từ gừng, tỏi, ớt... phòng, trừ sâu bệnh hại, giảm thiểu lượng hóa chất, rác thải độc hại ra môi trường.

Dự án ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ quản lý hiệu quả chất thải chăn nuôi lợn được triển khai bước đầu mang lại tín hiệu vui cho người chăn nuôi tại các xã Đại Phú, Sơn Nam và Hợp Hòa (Sơn Dương). Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Sơn Nam cho rằng, áp dụng quy trình cân bằng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho lợn; quản lý chất thải lỏng trong chăn nuôi bằng biogas cải tiến; quản lý chất thải rắn bằng công nghệ ủ nhiệt sinh học; chăm sóc lợn thương phẩm theo hướng giảm thiểu ô nhiễm mùi, giảm chất thải phát sinh đã giúp các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn giảm chi phí, tái sử dụng chất thải vào chu trình sản xuất khác và giảm thiểu mùi hôi.

Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, từ những hoạt động, mô hình quản lý chất thải, lượng rác thải trong quá trình sản xuất đã được kiểm soát, từng bước được hạn chế. Đây là tiền đề để xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững.

Nguồn: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang

Ý kiến bạn đọc