Hội thảo Ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản!

Thứ 7, 11/02/2023, 06:47 GMT+7

Ngày 23/12/2022, tại Hà Nội, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ, thiết bị tiến tiên trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản” nhằm giới thiệu một số các công nghệ, thiết bị tiên tiến đã được nghiên cứu và áp dụng trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản.

Hội thảo Ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản

PGS TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch phát biểu tại hội thảo

Hiện nay, cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô lớn và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ. Tỷ lệ nông sản chế biến xuất khẩu chiếm tới 45% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản; tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản đạt kết quả khả quan, như thủy sản đạt 6,6%/năm, rau quả đạt 15,1%/năm, điều nhân đạt 5,0%/năm, gạo đạt 8,9%/năm, cao su đạt 11,3%/năm, sản phẩm gỗ đạt 14,9%/năm.

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, nước ta đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp. Ngoài ra còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn làm nhiệm vụ sơ chế và chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa. Mỗi năm có thể chế biến, bảo quản khoảng 120 triệu tấn nông sản để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu phát triển đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn nhằm cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chế biến, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; Đã góp phần hình thành nên những vùng sản xuất nông lâm thủy sản tập trung có sản lượng hàng hóa lớn như tôm ở khu vực bán đảo Cà Mau; Lúa gạo, cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long; Thanh Long ở Long An, Tiền Giang, Bình Thuận; Vải ở Bắc Giang; Cà phê ở Tây nguyên...

Theo PGS.TS. Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, về dây chuyền thiết bị sơ chế và xử lý nguyên liệu tiền cấp đông Việt Nam có thể làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo với mức cơ giới hóa và tự động hóa so với trình độ thế giới cho đối tượng rau quả đạt 60%, tương ứng cho đối tượng thủy sản là 40% và giết mổ 50%. Về công nghệ và thiết bị cấp đông nhanh Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ tính toán thiết kế, chế tạo và lắp đặt hoàn thiện các hệ thống thiết bị cấp đông, trừ những vật tư linh kiện chuyên dụng trong ngành lạnh đã được thương mại hóa trên toàn cầu (máy nén lạnh, linh phụ kiện).

Đánh giá chung về thành tựu nghiên cứu ứng dụng trong nước về lĩnh vực bảo quản và chế biến NLTS, trong hơn 10 năm qua, đã có bước tiến triển tích cực, cách tiếp cận nghiên cứu và ứng dụng có tính khoa học và thực tiễn phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế. Một số kết quả nghiên cứu nổi bật đã tiếp cận gần và ngang với trình độ công nghệ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, tuy vậy phần nhiều các kết quả nghiên cứu chưa đưa vào được thực tế sản xuất, do thiếu tính gắn kết đồng bộ đã được đánh giá phân tích về chuỗi cung ứng lạnh và sự tham gia của doanh nghiệp.

Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã đưa ra một số giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030, trong đó có giải pháp về Nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến bảo quản nông sản như:

- Sử dụng hiệu quả nguồn lực từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, hỗ trợ các dự án nâng cao năng lực chế biến nông lâm thủy sản;

- Đẩy nhanh cách mạnh công nghiệp 4.0: Tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa vào công nghiệp chế biến nông sản nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh liên kết với nguồn cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm;

- Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về trình độ công nghệ chế biến, bảo quản nông sản để tiến tới hình thành thị trường khoa học công nghệ trong lĩnh vực này;

- Nghiên cứu, áp dụng công nghệ cao, hiện đại vào sản xuất. Định hướng một số công nghệ chế biến, bảo quản nông sản như: Công nghệ chiếu xạ; công nghệ xử lý bằng nước nóng và hơi nước nóng, công nghệ bao gói điều chỉnh khí quyển, bảo quản lạnh nhanh kết hợp với chất hấp thụ etylen và công nghệ tạo màng để bảo quản rau, hoa, quả tươi; công nghệ ngủ đông bảo quản thủy sản sống; Công nghệ phục vụ chế biến sâu nông sản: Chế biến khô (sấy phun, sấy thăng hoa nhiệt độ thấp, sấy lạnh và sấy nhanh); đông lạnh (IQF, cực nhanh); tiệt trùng nhanh chân không; công nghệ tách chiết hoạt chất...; Công nghệ sinh học và vi sinh sản xuất chế phẩm sinh học và các chất màu, chất phụ gia thiên nhiên trong bảo quản và chế biến nông sản; Công nghệ biến tính, sấy sinh thái để bảo quản gỗ; công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm bảo quản, chống mối, mọt thế hệ mới; công nghệ sản xuất các màng phủ gỗ thân thiện với môi trường; Công nghệ chế biến phế phụ phẩm được tạo ra trong sản xuất và chế biến nông lâm thủy sản; Công nghệ thông tin, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo trong chế biến nông sản nhằm tiết kiệm nguyên vật liệu, thời gian và nâng cao hiệu quả kinh tế; Công nghệ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch nông sản.

Nguồn: Mard.gov.vn

Ý kiến bạn đọc