Hội thảo thường niên Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam!

Thứ 3, 27/12/2022, 02:37 GMT+7

Ngày 25/11, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) tổ chức Hội thảo thường niên về thực hiện Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự Hội thảo gồm có: Đại điện các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh, thành phố ven biển tham gia Dự án, và một số Bộ, ngành có liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” được chính thức phê duyệt theo Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 07 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với WWF - Việt Nam để thực hiện Dự án từ năm 2020-2023. Trong thời gian qua, Dự án được triển khai tại 10 khu vực ở 9 tỉnh thành phố và đã thu được những kết quả quan trọng thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn, thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động tăng cường năng lực, đào tạo, bồi dưỡng, truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa,…góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển tại Việt Nam.

Giảm thiểu rác thải nhựa

Bà Phạm Thu Hằng, Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình Giảm Nhựa của WWF - Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo

Đây cũng chính là hiệu quả có được từ việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương mà Chính phủ đã ban hành tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 và Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu  hướng tới công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa đại dương. Liên quan đến vấn này, Việt Nam cũng sẽ cử đại diện tham dự Kỳ họp thứ nhất của Ủy ban đàm phán liên Chính phủ được tổ chức từ ngày 28 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12 năm 2022 tại Uruguay.

Nhằm tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung nhiệm vụ và mục tiêu dự án, Hội thảo thường niên được tổ chức để nghe đại diện các tỉnh, thành phố trực tiếp tham gia Dự án báo cáo tình hình triển khai, thực hiện các hoạt động, hợp phần của Dự án  đến thời điểm hiện tại. Thông qua đó sẽ giúp cơ quan chủ quản dự án đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động trong năm qua và thống nhất phương hướng thực hiện các hoạt động dự kiến trong các năm tiếp theo, xây dựng kế hoạch chi tiết cho năm 2023, đồng thời đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Dự án trong năm tới. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị liên quan, các địa phương cùng giao lưu, học hỏi, phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về biển trong đó bao gồm quản lý rác thải nhựa đại dương.

Hỗ trợ mạnh mẽ và kịp thời trong xây dựng các cơ chế, chính sách về nhựa

Theo Ông Phạm Mạnh Hoài, đại diện WWF-Việt Nam, quản lý Hợp phần II - Chính sách quản lý chất thải rắn và EPR, thời gian qua, WWF đã triển khai các hoạt động bao gồm: Khởi động nghiên cứu về vai trò và trách nhiệm pháp lý của ngành bao bì trong quản lý chất thải tại Việt Nam với mục tiêu xây dựng khung trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất; Khởi xướng các cuộc thảo luận về dự thảo chính sách đề xuất với các cơ quan ra quyết định chính sách cấp trung ương và địa phương; Tăng cường hợp tác quốc tế về chia sẻ kiến thức và thông tin liên quan đến vấn đề xuyên biên giới về ô nhiễm rác nhựa đại dương.

Giảm thiểu rác thải nhựa

Ông Phạm Mạnh Hoài, đại diện WWF-Việt Nam, quản lý Hợp phần II: Chính sách quản lý chất thải rắn và EPR báo cáo tiến độ triển khai hợp phần của Dự án

Ông Phạm Mạnh Hoài cũng cho biết, việc phối hợp với các đối tác triển khai hợp phần II đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, đã triển khai 16 chương trình nghiên cứu/khảo sát (7 chương trình nghiên cứu/khảo sát trong năm 2022);  phát hành 10 ấn phẩm (3 ấn phẩm trong năm 2022) với các thông tin tổng hợp/khuyến nghị quản lý hiệu quả nhựa và bao bì, bao gồm EPR và KTTH tại Việt Nam; cũng như hỗ trợ sự tham gia của Việt Nam và tham vấn cho các sự kiện quốc tế và khu vực về các vấn đề ô nhiễm nhựa xuyên biên giới, chuẩn bị của Việt Nam tham gia xây dựng Hiệp ước toàn cầu mang tính pháp lý về ô nhiễm nhựa, có tính đến quản lý rác thải nhựa đại dương; tổ chức 14 hội thảo cấp trung ương (2 hội thảo trong năm 2022) với sự tham gia của gần 800 đại biểu là các chuyên gia trong nước và quốc tế; đại diện các cơ quan quản lý các bộ/ngành, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phát triển trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực nhựa, bao bì, EPR và KTTH. Mục đích của các hội thảo bao gồm tham vấn các kết quả nghiên cứu, trao đổi và đề xuất các khuyến nghị, hướng dẫn quản lý và thực thi các quy định trong lĩnh vực nhựa và bao bì.

Dự án đã đóng vai trò nòng cốt của WWF-VN tham gia hỗ trợ mạnh mẽ và kịp thời các nhiệm vụ của Việt Nam liên quan đến việc xây dựng các văn bản pháp luật, kế hoạch quốc gia, các kế hoạch hành động cấp tỉnh/thành phố tại các địa phương mục tiêu của Dự án. Các văn bản quy định, hướng dẫn thực thi pháp luật bao gồm: Quyết định số 1855/QĐ-BTNMT ngày 4/12/2019 thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg về KHHĐQG về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Luật BVMT 2020, bao gồm các điều khoản quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, EPR và KTTH; Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại đương (ban hành bởi Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16/8/2021); Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết 1 số điều của Luật BVMT 2020 (tích hợp khung EPR); Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản giai đoạn 2020 - 2030 (ban hành bởi Quyết định số 687/QĐ-BNN-TCTS ngày 5/2/2021); Chiến lược BVMT quốc gia đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ban hành bởi Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022).

Đặc biệt, trong việc Hỗ trợ xây dựng Luật BVMT 2020, các kết quả của Dự án đã mang đến những thay đổi bước ngoặt trong công tác BVMT. Ghi nhận những đóng góp và nỗ lực không ngừng của WWF-Việt Nam trong việc hỗ trợ xây dựng dự luật, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã gửi thư cảm ơn và trao bằng khen tôn vinh WWF-Việt Nam vì “Đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, góp phần vào xây dựng và phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường”.

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và ứng xử của cộng đồng về rác thải nhựa

Chia sẻ về các hoạt động và kết quả chính của Hợp phần truyền thông và giáo dục, đại diện WWF - Việt Nam, Ông Tạ Anh Tuấn - quản lý truyền thông của Dự án cho biết, các hoạt động truyền thông của Dự án hướng đến người dân và người tiêu dùng nhựa trên toàn quốc. Trong đó, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và WWF-Việt Nam đã phối hợp triển khai thực hiện nghiên cứu hành vi người tiêu dùng nhựa sử dụng một lần trong năm 2020 tại các địa bàn tham gia Dự án. Tổng số có 2274 phiếu điều tra định lượng được thu thập và 84 người tham gia phỏng vấn định tính.

Các nghiên cứu nhằm tập trung tìm hiểu về nhận thức, thái độ và thực hành của người tiêu dùng, xác định khoảng cách giữa nhận thức, thái độ và thực hành. Từ đó tạo nên các thông tin dữ liệu đầu vào để xây dựng chiến lược và các hoạt động truyền thông thay đổi trong phạm vi Dự án.

Giảm thiểu rác thải nhựa

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Kết quả cho thấy, người dân nhìn chung nhận thức được tình trạng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam và đề cập đến trách nhiệm của chính phủ trong việc giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Người dân có xu hướng dựa vào các chính sách và hành động của chính phủ để thay đổi tình hình hiện tại hơn là tự mình chủ động thực hiện các hành động. Việc thiếu kiến ​​thức về tác động tiêu cực của ô nhiễm nhựa được xếp vào loại khó khăn cao nhất đối với việc thay đổi hành vi, trong số những khó khăn khác, chẳng hạn như ảnh hưởng của thói quen, thiếu các lựa chọn thay thế cho nhựa, tính rẻ và tiện lợi của nhựa.

Trong phạm vi của Dự án, việc xây dựng chiến lược truyền thông Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” hướng đến thay đổi Hành vi và Xã hội (SBCC - Social Behavior Change Communication) được áp dụng trong chiến lược truyền thông nhằm thúc đẩy những thay đổi về kiến thức, thái độ, chuẩn mực, niềm tin và hành vi của cộng đồng. Theo đó, kế hoạch truyền thông của Dự án được xây dựng trên 3 chiến lược trụ cột: Truyền thông Thay đổi Hành vi; Huy động sự tham gia của Cộng đồng và Xã hội; và Hỗ trợ xây dựng các Quy định và Hướng dẫn về quản lý rác thải nhựa.

Dự án đã triển khai thông điệp “Từ chối và giảm thiểu sản phẩm nhựa sử dụng một lần” trong chiến dịch “Giờ Trái Đất”. Thông qua đó, kêu gọi sự tham gia và cam kết mạnh mẽ hơn nữa từ các doanh nghiệp, chính quyền và người dân địa phương để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Chiến dịch đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Thứ trưởng Bộ Công thương, cùng nhiều người nổi tiếng trong lĩnh vực quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, tương tác cộng đồng, để cùng chia sẻ các thông điệp. Ngoài ra, Dự án đã triển khai các Chiến dịch truyền thông nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa; Chiến dịch truyền thông giảm nhựa trong SEA Games 31.

Đặc biệt, từ tháng 12/2021, các chiến dịch truyền thông tại địa phương bao gồm Tp. Tân An (Long An) và huyện Côn Đảo, dự án đã phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Long An triển khai thực hiện chiến dịch truyền thông "Phân loại rác vì nhân loại" với nhiều hoạt động ý nghĩa nhưng không kém phần mới mẻ và thú vị để hướng tới mục tiêu nâng cao ý thức của người dân tại Long An trong việc phân loại rác thải tại nguồn. Trong chiến dịch này, các thông điệp được truyền tải thông qua các chất liệu văn hóa dân gian nên vừa mới mẻ, vừa thân quen với người dân địa phương. Các câu ca dao, tục ngữ vui nhộn được “tái chế” thành những bức tranh cổ động, để thúc đẩy người tiêu dùng thực hành phân loại rác thải trong sinh hoạt. Ngoài ra, dự án còn mang đến ca khúc Rap mang tên “Phân loại vì nhân loại” được sáng tác từ chính những câu tục ngữ ca dao nói trên, giúp cho thông điệp khích lệ thói quen phân loại rác lôi cuốn hơn, dễ dàng tác động đến suy nghĩ, hành động của người tiêu dùng trẻ. Chiến dịch đã tiếp cận được với 300.000 lượt người trên kênh mạng xã hội, 125.000 lượt xem video, cùng với đó là 13 bài báo được đăng tải trên các kênh báo chí.

Từ các kết quả nghiên cứu hành vi người tiêu dùng nhựa dùng 1 lần mà dự án đã thực hiện, có thể thấy ở những nơi có các phong trào bảo vệ môi trường, có các chương trình và hoạt động truyền thông thì nhận thức, thái độ và hành vi của các nhóm đối tượng truyền thông mục tiêu đều trở nên tích cực hơn. Điều này cho thấy các tác động truyền thông và hoạt động cộng đồng có khả năng ảnh hưởng rõ ràng đến người dân và cộng đồng. Mặt khác, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra một triển vọng rằng nếu có các tác động thường xuyên, cụ thể, rõ ràng ở nhiều phương diện (gia đình, cộng đồng, nhận thức, thái độ, phổ cập tin tức, thông tin…), người dân có thể thay đổi hành vi theo xu hướng tích cực và bền vững hơn.

Kêu gọi các cấp chính quyền, địa phương và người dân cùng chung tay hành động

Hội thảo đã được nghe diện các địa phương gồm: Huyện A Lưới – tỉnh Thừa Thiên Huế; quận Thanh Khê - TP. Đà Nẵng; TP. Tuy hòa - Phú Yên; đại diện 3 Khu Bảo tồn biển: Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), Tân An (Long An); Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) báo cáo tình hình triển khai và đề xuất các phương hướng triển khai Dự án tại địa phương. Trong đó, các địa phương đã tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông về rác nhựa; triển khai các cơ chế chính sách, các mô hình cơ sở như phân loại rác thải nhựa tại nguồn, mô hình “Trường học giảm nhựa”, mô hình “Chợ giảm nhựa”; tích cực tổ chức các khóa tập huấn tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử của cộng đồng dân cư đối với rác thải nhựa; các chiến dịch “Ngày chủ nhật xanh”, tại Phú Quốc đã có “Ngày vì môi trường” được duy trì thực hiện vào ngày thứ 7 tuần đầu tiên của mỗi tháng; một số mô hình thí điểm được triển khai tại một số địa phương; xây dựng kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa, đồng thời phát động các phong trào với sự hưởng ứng tham gia của giới trẻ, đoàn thanh niên hành động giảm thiểu rác nhựa, bảo vệ môi trường,…

Tại Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc Chương trình Giảm Nhựa của WWF - Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp của các đơn vị liên quan cùng với các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Dự án. Trong khuôn khổ dự án, phía WWF sẽ tiếp tục đồng hành và huy động các nguồn lực để triển khai các hoạt động sâu rộng tại các địa phương, Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy mong rằng trong thời gian tới, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cùng với sự quan tâm, vào cuộc của lãnh đạo địa các phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung triển khai các hoạt động trọng tâm, tạo được các dấu ấn với những kết quả vượt ra ngoài mong đợi của Dự án và các kết quả đó sẽ tiếp tục được duy trì và nhân rộng sau khi kết thúc Dự án.

Giảm thiểu rác thải nhựa

Ông Huỳnh Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo báo cáo tình hình triển khai Dự án trên địa bàn Huyện

Theo Bà Phạm Thu Hằng, để triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch thực hiện của Dự án trong thời tới, và khi Việt Nam tham gia ký kết thỏa thuận toàn cầu về giảm thiểu rác thải nhựa, rõ ràng cần có sự chung tay, phối hợp đồng bộ, và sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, cùng với người dân, các doanh nghiệp để hoàn thành các mục tiêu của Dự án và các cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế./.

Nguồn: Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc