Hội thảo “Tái chế phế thải công nghiệp làm nguyên liệu - Hướng tới phát triển bền vững”!

Thứ 2, 11/12/2023, 13:03 GMT+7

Vừa qua, Viện Vật liệu xây dựng (VIBM), Bộ Xây dựng đã tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến Hội thảo khoa học “Tái chế phế thải công nghiệp làm nguyên liệu - Hướng tới phát triển bền vững”. Hội thảo có sự tham dự của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các Viện nghiên cứu, các Hội, Hiệp hội chuyên ngành, đại diện các Sở Xây dựng thuộc các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Hội thảo “Tái chế phế thải công nghiệp làm nguyên liệu - Hướng tới phát triển bền vững”!

PGS. TS. Lưu Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Lưu Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cho biết, số lượng phế thải công nghiệp cũng ngày càng gia tăng cả về chủng loại và khối lượng, trong đó, nhiều loại chất thải có thể tái chế sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, như các phế thải oxit nhôm từ quá trình sản xuất nhôm tấm, sản xuất alumin, sản xuất dầu mỏ, các loại vỏ nhuyễn thể.

Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, Việt Nam và nhiều quốc gia trên Thế giới ngày càng quan tâm đến vấn đề sử dụng chất thải công nghiệp, tái chế các nguyên liệu trong sản xuất vật liệu xây dựng, nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên, khoáng sản và góp phần bảo vệ môi trường nhờ việc đồng xử lý chất thải.

Phó Viện trưởng Lưu Thị Hồng cho biết, Viện Vật liệu xây dựng là Viện nghiên cứu đầu ngành và tiên phong trong nghiên cứu, sử dụng các loại phế thải công nghiệp, nông nghiệp để làm vật liệu xây dựng. Hiện nay, Viện được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện dự án "Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất xi măng alumin từ nguồn phế thải công nghiệp". Ngoài ra, Viện được Bộ Xây dựng giao thực hiện 2 nhiệm vụ: "Nghiên cứu công nghệ sử dụng vỏ hàu, vỏ sò làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng" và "Hệ thống hóa cơ sở dữ liệu vật liệu xây dựng phục vụ quản lý Nhà nước". Các nhiệm vụ này đều hướng tới việc tạo ra sản phẩm mới có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Giới thiệu công nghệ sản xuất xi măng alumin, ThS. Tạ Văn Luân, Viện Vật liệu xây dựng cho biết, hiện nay, VIBM đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất xi măng alumin. Theo đó, nguyên liệu ban đầu được nghiền mịn, đưa vào silo để định lượng, sau đó đưa vào máy trộn khô, trộn ẩm, tạo hình, sấy nung và trộn nghiền, đóng bao.

Theo ThS. Tạ Văn Luân, xi măng alumin được ứng dụng rộng rãi để hàn gắn vết nứt của công trình xây dựng; làm chất kết dính cho bê tông chịu nhiệt và chịu lửa tùy theo thể loại cốt liệu; bít nhanh các giếng khoan rò rỉ dầu, khí, nước (tuy nhiên phải lựa chọn giải pháp thi công phù hợp với thời gian đông kết nhanh). Ngoài sử dụng phế thải công nghiệp để chế tạo xi măng alumin, việc sử dụng vỏ nhuyễn thể như vỏ hàu, vỏ sò, vỏ ốc… làm nguyên liệu chế tạo vật liệu xây dựng cũng được các chuyên gia Viện Vật liệu xây dựng nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất.

Theo ThS. Trịnh Thị Châm, vỏ nhuyễn thể với thành phần hóa chủ yếu là CaO (với hàm lượng trên 50%), tương tự đá vôi, hoàn toàn có thể được sử dụng làm nguyên liệu chế tạo vôi. Thành phần khoáng của vỏ hàu chủ yếu là khoáng canxit, trong khi các loại vỏ nhuyễn thể khác (vỏ ngao, ốc, sò) thành phần chủ yếu là khoáng aragonit. Bên cạnh khả năng trở thành nguồn nguyên liệu chế tạo vôi, vỏ hàu (sò, ốc) cũng có nhiều tiềm năng được sử dụng để chế tạo sơn tường nội thất. Vấn đề này đã được đề cập tới trong bài tham luận của ThS. Vũ Thị Duyên “Nghiên cứu chế tạo sơn tường nội thất từ bột vỏ hàu (sò, ốc) và thử nghiệm các tính chất của sơn”. Theo ThS. Vũ Thị Duyên, khi sử dụng bột vỏ hàu thay thế bột đá vôi CaCO3 ở các hàm lượng 25%, 55%, các chỉ tiêu thử nghiệm của sơn đều đạt yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 8652:2020 Sơn tường dạng nhũ tương cho sơn phủ nội thất và tương đương với mẫu đối chứng M0; khi sử dụng bột vỏ hàu thay thế cao lanh ở các hàm lượng 25%, 50%, 75%; 100% các chỉ tiêu thử nghiệm của sơn đều đạt được yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 8652:2020 Sơn tường dạng nhũ tương cho sơn phủ nội thất và tương đương với mẫu đối chứng M0.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cùng chung nhận định, việc nghiên cứu sử dụng phế thải công nghiệp làm nguyên liệu chế tạo vật liệu xây dựng là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt như hiện nay. Đây cũng là một trong những hoạt động cần thiết nhằm hiện thực hóa Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Kết luận Hội thảo, Phó Viện trưởng Lưu Thị Hồng cảm ơn các chuyên gia, đại biểu đã tham dự và đóng góp nhiều ý kiến trao đổi tại hội thảo. Ban tổ chức sẽ nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện các nghiên cứu, qua đó góp phần cung cấp các giải pháp hữu hiệu trong việc sử dụng các loại phế thải công nghiệp làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, hướng đến phát triển bền vững.

Nguồn: ximang.vn

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc