Hội thảo khoa học - “Xã hội hóa thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Hiện trạng và giải pháp”

Thứ 5, 16/06/2022, 09:36 GMT+7

Chiều ngày 14/6/2022, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Địa lý nhân văn (đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo "Xã hội hóa thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Hiện trạng và giải pháp", với mong muốn sẽ phân tích, làm rõ những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy và nhân rộng các mô hình xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý CTRSH, cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các chính sách liên quan và Chiến lược quốc gia về Quản lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tham dự có: Đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các tỉnh, thành phố trên cả nước và đông đảo các nhà khoa học.

xã hội hóa thu gom vận chuyển xử lý chất thải sinh rắn sinh hoạt

Ông Lê Duy Tiến - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban khoa học, công nghệ và môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và TS. Nguyễn Song Tùng – Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn đồng chủ trì Hội thảo

Xã hội hoá bảo vệ môi trường là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, là việc huy động tất cả các nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài thành phần kinh tế quốc doanh, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.

Từ năm 1993, khi thông qua Luật Bảo vệ môi trường, Quốc hội đã đặt vấn đề phải xã hội hóa công tác BVMT. Cụ thể, Luật đã xác định một trong những nguyên tắc BVMT là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (khoản 2, Điều 4); Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động BVMT (khoản 1, Điều 5). Điều 116 của Luật quy định Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động dịch vụ giữ gìn vệ sinh, BVMT thông qua hình thức đấu thầu trong các lĩnh vực xác định về thu gom, tái chế, xử lý chất thải… Chủ trương, chính sách xã hội hóa hoạt động BVMT đúng đắn trên đây được tiếp tục ghi nhận trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng như trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (năm 2020).

Như vậy, cùng với vai trò của Nhà nước, xã hội hóa công tác BVMT đã được khẳng định rõ ràng trong chính sách về môi trường ở nước ta hiện nay.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Song Tùng - Viện trưởng Viện Địa lí nhân văn nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu tham dự Hội thảo. TS. Nguyễn Song Tùng cho biết, trong thời gian qua, vấn đề về chất thải rắn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt nông thôn là vấn đề bức xúc của nhiều địa phương trên cả nước. Hầu hết chất thải rắn sinh hoạt này không được phân loại tại nguồn. Vì vậy tỷ lệ thu hồi chất thải có khả năng tái chế và tái sử dụng như giấy vụn, kim loại, nhựa... còn thấp và chủ yếu tự phát.

Xã hội hóa quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đang được triển khai ở nhiều địa phương nhưng hoạt động chưa hiệu quả và không bền vững, là do những hạn chế về cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa. Việc huy động các nguồn lực tham gia công tác xã hội hóa quản lý chất thải rắn, đặc biệt ở khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn như: thu nhập của người thu gom rác ở nông thôn rất thấp; chưa được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhiều nơi chưa có bảo hộ lao động...

Tuy nhiên, hiện nay các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn chưa đủ năng lực để giải quyết trọn vẹn các vấn đề quản lý chất thải. Hầu hết các tổ chức xã hội ở nông thôn mới chỉ thực hiện được các nội dung về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức thu gom chất thải mà chưa có các biện pháp xử lý dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải ngày càng gia tăng. Việc quản lý chất thải rắn chưa có chính sách để thu hút các nhà đầu tư thuộc khu vực ngoài nhà nước tham gia; chưa tạo được cho người dân ý thức, thói quen bảo vệ môi trường...

TS. Nguyễn Song Tùng cũng chỉ ra, Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước năm 2019 là 65.658 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị là 35,625 tấn/ngày và khu vực nông thôn là 28.392 tấn/ngày tương đương với 10,4 triệu tấn/năm). Do đó, nếu thực hiện tốt công tác xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH sẽ góp phần quan trọng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt.

Hội thảo nhận được nhiều báo cáo tham luận gửi đến, có 06 tham luận được trình bày tại hội thảo: (i) Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong Luật BVMT 2020 và vai trò của cộng đồng dân cư của PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT; (ii) Xã hội hóa quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Góc nhìn lợi ích kinh tế của PGS.TS. Nguyễn Danh Sơn - Học viện KHXH Việt Nam; (iii) Hiện trạng chính sách xã hội hóa quản lý CTRSH tại Việt Nam của TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT; (iv) Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH nông thôn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu theo hướng xã hội hóa của bà Nguyễn Thị Kim Xuyến - Tổng Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Bà Rịa; (v) Vai trò của các hợp tác xã dịch vụ môi trường trong xã hội hóa quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn của TS. Nguyễn Đình Đáp - Viện Địa lí nhân văn; (vi) Kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH và đề xuất một số bài học kinh nghiệm vận dụng tại Việt Nam của TS. Nguyễn Duy Thái - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam.

Bàn về Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và vai trò cộng đồng dân cư, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, những Quy định, Nghị định và Thông tư về Quản lý chất thải rắn trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã nêu rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nguồn.

Để đạt được hiệu quả cao trong việc thực thi Luật, cần nâng cao năng lực thực hiện của địa phương; vai trò đồng thuận của người dân và xã hội trong việc cùng thực hiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật; tăng cường hạ tầng kỹ thuật và công nghệ đảm bảo thực hiện tốt cho công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, nhất là công tác giám sát, thanh tra... Hàng năm cơ quan quản lý môi trường của Nhà nước nên có đánh giá về thực hiện pháp luật Bảo vệ môi trường đối với quản lý chất thải rắn sinh hoạt, từ đó có những điều chỉnh phù hợp nhất là đối với quy định trong các nghị định và thông tư.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, chia sẻ về các vấn đề xã hội hóa quản lý chất thải rắn sinh hoạt; đề xuất các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu ban hành phương pháp, quy trình xác định quản lý chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt để các địa phương xây dựng, điều chỉnh đơn giá nhanh chóng, thuận tiện; quy định cụ thể về mức thu, tỷ lệ hỗ trợ, bù đắp từ ngân sách địa phương thống nhất trên cả nước với từng khu vực đô thị/nông thôn. 

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có chế tài với những đối tượng không phân loại rác tại nguồn, không nộp tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong cơ cấu giá chi phí dịch vụ cần có tỷ lệ phần trăm thích hợp để bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, giảm lao động nặng nhọc cho công nhân...

xã hội hóa thu gom vận chuyển xử lý chất thải sinh rắn sinh hoạt

Quang cảnh Hội thảo

Tổng kết hội thảo, Ông Lê Duy Tiến, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Khoa học,công nghệ và môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa, chất lượng của buổi Hội thảo. Hội thảo đã làm rõ những hạn chế, bất cập về cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; làm rõ những khó khăn của các địa phương, các doanh nghiệp trong thực hiện các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH ... góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các Chính sách liên quan và Chiến lược quốc gia về Quản lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

xã hội hóa thu gom vận chuyển xử lý chất thải sinh rắn sinh hoạt

Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Nguồn: Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Ý kiến bạn đọc