Ngày 21/12, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo bàn về các giải pháp quản lý và mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hội thảo đã thu hút được đông đảo các đại biểu từ các Bộ, Ban, Ngành và các địa phương khu vực phía Bắc.
Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng cùng với việc tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số một cách nhanh chóng, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại nước ta ngày càng lớn, tuy nhiên việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo của các Sở TN&MT, lượng CTRSH phát sinh hiện nay tại các khu đô thị khoảng 38.000 tấn/ ngày và khu vực nông thôn khoảng 32.000 tấn/ ngày. Lượng chất thải tại khu vực đô thị được thu gom, xử lý đạt khoảng 85%, nhưng khu vực nông thôn mới chỉ đạt khoảng 40 - 55%.
Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải báo cáo tại Hội nghị
Việc thu gom CTRSH tại thành phố, đô thị bước đầu đã có những kết quả nhất định, tuy nhiên tại nhiều vùng nông thôn vẫn chưa được quan tâm, nhiều thôn, xã, chưa có đơn vị chuyên trách trong việc thu gom CTRSH. Đặc biệt, việc thu gom tại nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, việc thu gom, xử lý rất khó khăn, rác thải được thải trực tiếp ra sông suối, ao hồ, ruộng đồng hoặc tập trung tại các bãi rác tự phát, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường.
Công tác vận chuyển CTRSH hiện đang gặp khó khăn chung do việc quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải ở xa khu dân cư nên làm tăng chi phí vận chuyển, đồng thời nhiều phương tiện vận chuyển không đáp ứng yêu cầu gây rò rỉ nước thải hoặc gây ô nhiễm mùi trong quá trình vận chuyển.
Hiện nay phương pháp xử lý CTRSH chủ yếu là chôn lấp (chiếm 75% lượng CTRSH), trong đó chỉ có khoảng 30% các bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, trên cả nước hiện có khoảng 30 cơ sở xử lý chất thải thành phân mùn hữu cơ (compost) và gần 300 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (chủ yếu là lò đốt rác cỡ nhỏ, quy mô cấp xã).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về các thuận lợi và khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong công tác quản lý CTRSH, bao gồm việc giảm thiểu phát sinh, phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý; Các đề xuất, kiến nghị và giải pháp để tăng cường công tác quản lý CTRSH trong thời gian tới; góp ý cho dự thảo Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu, những ý kiến đóng góp sẽ là những thông tin hữu ích để Bộ TN&MT tổng hợp, đưa ra những định hướng sắp tới trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là hoàn thiện dự thảo Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo thứ trưởng, hiện trạng quản lý CTRSH ở Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đảm bảo, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Thứ trưởng yêu cầu trong thời gian tới Tổng cục Môi trường cần chủ động, xây dựng cơ chế chính sách về xử lý CTRSH theo hướng công khai, minh bạch; phối hợp với các địa phương tăng cường năng lực quản lý CTRSH; giới thiệu, triển khai các công nghệ xử lý CTRSH phù hợp với từng điều kiện của từng địa phương./.
Toàn cảnh Hội nghị