Ứng dụng Công nghệ sinh học và các quy trình, kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản phù hợp với nhu cầu và điều kiện của địa phương
Sáng ngày 09/8/2024, Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ phối hợp cùng Trung tâm Giống thủy sản An Giang tổ chức hội thảo kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề “Ứng dụng Công nghệ sinh học và các quy trình, kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản phù hợp với nhu cầu và điều kiện của địa phương”. Hội thảo được tổ chức tại Trạm Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ Đồng Tháp Mười, ấp Bàu Mua, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An.
Hội thảo do ThS. Hồ Thị Diệp Thúy – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An chủ trì với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Trung tâm Giống thủy sản An Giang, đại diện các đơn vị quản lý như phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng Kinh tế, phòng Kinh tế và Hạ tầng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An.
Hội thảo còn thu hút sự quan tâm, tham dự của các hợp tác xã nông nghiệp và bà con nông dân nuôi trồng thuỷ sản khu vực lân cận. Phát biểu tại Hội thảo, bà Hồ Thị Diệp Thúy cho biết Hội thảo được tổ chức nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào nuôi trồng thủy sản nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung, từ đó mang lại hiệu quả, góp phần hình thành những chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho giá trị cao, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân tại địa phương. Bà cũng mong rằng, Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đề xuất của các các bộ quản lý, bà con nông dân về các mô hình thủy sản mong muốn triển khai trong thời gian sắp tới để Sở Khoa học và Công nghệ có cơ sở triển khai các hoạt động hỗ trợ đúng với nhu cầu thực tế của địa phương.
Tại hội thảo, đại biểu được nghe ThS. Tăng Hoàng Vinh – Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản An Giang giới thiệu về tiềm năng của nghề sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Linh (Cirhinus jiullenni). Đây là một trong những đối tượng thủy sản đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long, chỉ xuất hiện một lần từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm, có giá trị kinh tế khá cao. Những năm gần đây, nguồn cá Linh tự nhiên đã dần dần suy giảm, khiến cho giá cả tăng cao, nhất là đầu vụ và cuối vụ; đồng thời các sản phẩm đóng hộp chế biến từ cá Linh như cá Linh kho mía, mắm cá Linh, ... rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, sản xuất giống cá Linh và nuôi cá Linh thương phẩm được đánh giá có tiềm năng rất lớn, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Bên cạnh cá Linh, cá Chạch Lấu là đối tượng thủy sản đã được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Giống thủy sản An Giang nghiên cứu sản xuất giống, nuôi thương phẩm thành công và được TS. Lê Đức Duy giới thiệu tại Hội thảo Kết nối cung cầu công nghệ lần thứ 3 năm 2024. Trong bài tham luận, TS Lê Đức Duy đã trình bày từng bước trong quá trình sản xuất giống cá Chạch Lấu, kỹ thuật ương cá Chạch Lấu từ cá bột lên cá hương, từ cá hương lên cá giống và kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Chạch Lấu. TS. Lê Đức Duy cũng giới thiệu một số giống loài thủy sản tiềm năng mà Trung tâm Giống thủy sản An Giang đang làm chủ công nghệ và sẵn sàng chuyển giao, hướng dẫn theo yêu cầu của các đơn vị quản lý và bà con nông dân.
KS. Phạm Thanh Dung – Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ trình bày tham luận tại Hội thảo
KS. Phạm Thanh Dung – Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ cũng khái quát một số mô hình thủy sản đã triển khai thành công tại vùng Đồng Tháp Mười như cá Lóc, cá Trê vàng và nuôi Lươn không bùn. Đây là các đối tượng thủy sản nước ngọt phù hợp với đặc điểm của vùng, có giá trị kinh tế tương đối cao, đầu ra ổn định, kỹ thuật nuôi đơn giản, có thể tận dụng diện tích mặt nước quanh nhà để sản xuất.
Ông Nguyễn Phú Quốc – Phó Chủ tịch xã Thạnh Hưng, Thị xã Kiến Tường, Long An phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Phú Quốc – Phó Chủ tịch xã Thạnh Hưng, Thị xã Kiến Tường, Long An phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo kết nối cung cầu công nghệ là nội dung thuộc nhiệm vụ dịch vụ công “Triển khai các hoạt động kết nối chuyển giao công nghệ góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ tỉnh Long An trong năm 2024” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An giao cho Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ với mục tiêu (1) góp phần thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, (2) thiết lập cơ chế giao dịch, tư vấn tự do, quản lý vận hành đơn giản, hiệu quả đồng thời tích hợp nhiều chức năng hỗ trợ các bên cung - cầu công nghệ và các tổ chức dịch vụ trung gian, (3) tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trên địa bàn tỉnh Long An được kết nối với các Viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân, doanh nghiệp làm chủ công nghệ, kỹ thuật, kết quả nghiên cứu, trong và ngoài tỉnh… đáp ứng với nhu cầu cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, (4) thống kê, đánh giá được xu thế, mức độ quan tâm của công nghệ để từ đó có định hướng cho nghiên cứu và phát triển sản xuất./.
Nguồn: Sở Khoa Học và Công Nghệ tỉnh Long An " Hội Thảo Kết Nối Cung Cầu công Nghệ lần thứ 3 năm 2024", đăng ngày 12/08/2024, xem tại link " https://skhcn.longan.gov.vn/ung-dung-va-chuyen-giao-tien-bo-kh-cn/hoi-thao-ket-noi-cung-cau-cong-nghe-lan-thu-3-nam-2024-949987", truy cập ngày 20/08/2024