Ngày 06/12/2022, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp cùng Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) tổ chức Hội thảo “Đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi”. Phó Viện trưởng – TS. Nguyễn Trung Thắng đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo.
Ngành giấy là một trong những ngành kinh tế quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Xu thế tất yếu và đang trở nên phổ biến trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam là sự phát triển bền vững và ngành giấy Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hoạt động sản xuất giấy có trách nhiệm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường, con người, nền kinh tế địa phương và đất nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Việt Đức – Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam khẳng định: Trong định hướng phát triển, đến năm 2030, ngành Giấy Việt Nam sẽ trở thành ngành sản xuất lớn ở khu vực và châu Á, với ước tính khoảng 10 triệu tấn giấy các loại, 9 triệu tấn giấy bao bì, 1 triệu tấn bột giấy và 0,5 triệu tấn giấy vệ sinh. Bên cạnh đó, ngành giấy vẫn luôn xác định bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc xử lý, tái chế và tái sử dụng hoàn toàn các chất thải là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển ngành trong những năm tới. Trong những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu giấy bao bì làm hòm hộp cho sản phẩm hàng hóa tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, ngành công nghiệp giấy đã có sự phát triển vượt bậc về đầu tư công suất mới và gia tăng sản lượng, nhất là về sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi.
Ông Nguyễn Việt Đức – Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Với mục tiêu trên, đồng xử lý chất thải rắn bằng lò hơi tầng sôi, nhằm tận dụng nhiệt lượng đưa trở lại quá trình sản xuất, đồng thời xử lý được hầu hết chất thải rắn thông thường phát sinh tại cơ sở sản xuất, giảm chi phí đầu tư và vận hành, tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, là vấn đề đang được nghiên cứu kỹ lưỡng, nghiêm túc đang được triển khai áp dụng tại một số nhà máy và đã mang lại hiệu quả và lợi ích rõ rệt.
Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Thực tế hiện nay tại các nhà máy sản xuất giấy, bột giấy nói chung hay các nhà máy sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi có một lượng lớn rác thải công nghiệp thông thường cần xử lý. Bình quân để sản xuất ra một tấn sản phẩm giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi thì nhà máy sẽ thải ra khoảng 120kg rác thải, trong đó lượng rác có thể thu hồi và tái chế, tái sử dụng chiếm một tỷ trọng lớn.
Ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại Hội thảo
Với tổng công suất giấy bao bì toàn ngành hiện nay khoảng 7 triệu tấn/năm, và sẽ tăng nhanh trong những năm tới thì lượng rác thải công nghiệp của ngành sẽ đạt tới hàng triệu tấn. Thông thường lượng rác thải này hiện nay nhiều nhà máy đều phải thuê các công ty môi trường xử lý bằng cách chôn lấp, hoặc đốt bỏ. Trong khi đó, cơ sở sản xuất có đủ khả năng và trang thiết bị về công nghệ (lò hơi tầng sôi) để trực tiếp xử lý tại chỗ chất thải này, và đây còn là một nguồn phế liệu cần được tái chế, tái sử dụng, đồng xử lý tại các cơ sở sản xuất để thu hồi, chuyển hóa thành nguồn năng lượng phục vụ trở lại cho hoạt động sản xuất của chính cơ sở đó. Trước thực trạng đó, kinh tế tuần hoàn được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp giảm lượng chất thải, bảo vệ môi trường, góp phần đạt được mục tiêu về kinh tế xanh, kinh tế cácbon thấp.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các bài trình bày từ đại diện cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học về chính sách trong phân loại tại nguồn và tái chế chất thải rắn ở Việt Nam; những ưu điểm nổi bật của lò hơi tầng sôi trong xử lý bùn thải, cặn bột và rác thải rắn trong ngành giấy; kinh nghiệm của các nước sử dụng lò hơi tầng sôi trong việc đồng xử lý chất thải rắn trong các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp;...
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn sản xuất trong việc sử dụng lò hơi tầng sôi đồng xử lý chất thải rắn của các nhà máy sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường.
Nguồn: Viện chiến lược,Chính sách Tài Nguyên và Môi Trường