Trong khuôn khổ Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” (LSPP) được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ - USAID, ngày 21/10/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (CLCSTN&MT), Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị Tham vấn Kế hoạch tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Phó Viện trưởng – TS. Nguyễn Trung Thắng đã dự và phát biểu tại Hội nghị. Ngoài ra, Hội nghị có sự tham dự của đại diện các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà khoa học có liên quan.
Theo thống kê, tại Việt Nam, ước tính khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi năm, tỷ lệ nhựa chiếm từ 10-20% (khoảng 2,5 đến 5 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh mỗi năm). Tỷ lệ rác nhựa và túi nilong dùng 1 lần ở các đô thị Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng; chiếm từ 10 đến 20% chất thải rắn sinh hoạt. Tại Hà Nội, tỷ lệ chất thải nhựa chiếm khoảng 12-18%, trong đó riêng các loại film, túi ni-lông chiếm tỷ lệ 10-15%. Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm về nhựa đang là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.
Các sản phẩm từ nhựa, ni-lông ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người chúng ta. Tuy nhiên, đặc tính bền, khó phân hủy của sản phẩm nhựa, ni-lông đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất.
Phát biểu khai mạc, ông Mai Trọng Thái – Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn Thành phố Hà Nội theo văn bản số 3258/VPCP-KGVX ngày 23/04/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc gửi thư kêu gọi chung tay hành động rác thải nhựa, Sở TN&MT đã tham mưu trình UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 về việc phòng, chống rác thải nhựa và túi nilong đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các Sở, Ban ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đang triển khai thực hiện Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND Thành phố Hà Nội theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Các nội dung trong việc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa được xác định trong các văn bản: Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020; Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ban hành các văn bản Luật, Nghị định liên quan đến trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất.
Toàn cảnh hội nghị
Ông Mai Trọng Thái – Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, TS. Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện CLCSTN&MT khẳng định “Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường và quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa. Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, như: Chiến lược quốc gia về Quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa;… Theo đó, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 (i) sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; và (ii) giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt”.
Ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện CLCSTN&MT phát biểu tại Hội nghị
Nội dung của buổi Hội nghị bao gồm 02 phần: i) Rà soát, đánh giá, tổng kết quá trình triển khai Kế hoạch 232/KH-UBND ngày 25/10/2019 của UBND thành phố Hà Nội; và (ii) Đề xuất các nội dung, khuyến nghị cho việc sửa đổi kế hoạch 232/KH-UBND về quản lý chất thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Nội, đảm bảo phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hội nghị là cơ sở để nhóm thực hiện lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia từ đó tiếp tục hoàn thiện dự thảo Kế hoạch trình UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt.
Nguồn: Viện chiến lược,Chính sách Tài Nguyên và Môi Trường