Sáng ngày 30/9/2022, tại thành phố Đà Lạt, Hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng năm 2022.
Hội nghị BCH mở rộng năm 2022 Hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Nam
Tham dự Hội nghị có ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM - Chủ tịch Hội Môi trường đô thị và KCN khu vực Miền Nam; Nguyễn Hữu Tiến – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam; Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch HĐQT- Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế - Chủ tịch Hội Môi trường Đô thị và KCN khu vực Miền Trung - Tây Nguyên; ông Hồ Chí Hưng, Tổng thư ký VUREIA; Ông Tăng Anh Trường - Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Thái Nguyên - Phó Chủ tịch Hội Môi trường Đô thị và KCN khu vực Miền Bắc; ông Đồng Xuân Thụ - Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; cùng đông đảo các đại biểu các Hội khu vực.
Các Đại biểu điều hành hội nghị Ban chấp hành mở rộng năm 2022.
Hội nghị nhằm tổng kết tình hình hoạt động và phương hướng sắp tới của Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Nam (Từ sau Hội nghị lần XV tại Cần Thơ tháng 4/2021 đến nay).
Tháng 4 năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Nam (gọi tắt là Hội miền Nam) cùng Hiệp hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (gọi tắt là Hiệp hội) đã có những hành động thiết thực cùng chung tay đóng góp, vận động, tài trợ cho các đơn vị, cá nhân trong ngành vượt qua khó khăn.
Các Chi hội đã chủ động trong việc thực hiện đổi mới quy trình công nghệ, đổi mới các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ trong lĩnh vực vệ sinh môi trường ở một số tỉnh thành phố thuộc khu vực miền Nam như: đầu tư xe quét hút, xe tưới sửa đường, xe hút bùn….phát triển và khai thác hết công suất các nhà máy xử lý chất thải nguy hại, các bãi chôn lấp, xử lý rác và tái chế chất thải theo công nghệ tiên tiến, đầu tư xây dựng lò đốt rác công nghiệp độc hại, rác y tế… với công nghệ hiện đại nhất hiện nay đã góp phần cho hoạt động của Hội miền Nam ngày càng hiệu quả.
Quang cảnh hội nghị
Trong công tác chăm lo đời sống người lao động, Hội lấy phương châm phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ đi đôi với cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao thu nhập cho người lao động, các chi hội viên luôn tạo mọi điều kiện để người lao động phát huy năng lực và tính sáng tạo trong công việc, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định để người lao động an tâm và gắn bó với công việc.
Xây dựng quy chế làm việc rõ ràng, chặt chẽ nhằm tạo cho người lao động nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tổ chức kỷ luật và phát huy dân chủ trong công việc.
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tác động môi trường để có biện pháp xử lý để giảm thiểu mức độ ô nhiễm trong môi trường làm việc nhằm phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cá nhân đảm bảo chất lượng, đúng quy cách, phù hợp với công việc. Thường xuyên tuyên truyền về chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người lao động, pháp luật bảo hộ lao động, các quy định về an toàn lao động và bảo vệ môi trường để người lao nắm được và làm tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình.
Định kỳ tổ chức khám sức khỏe cho người lao động để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh nghề nghiệp; bố trí lại công việc cho phù hợp với điều kiện sức khỏe để đảm bảo an toàn cho người lao động. Tăng cường chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật hàng tháng theo công việc để bù đắp sức lao động cho công nhân.
Trong năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của nhiều đơn vị hội viên. Hội miền Nam đã kịp thời hỗ trợ trao tặng khẩu trang y tế cho các Chi hội gặp khó khăn vì không thể chủ động trang bị các mặt hàng y tế hỗ trợ chống dịch như khẩu trang y tế, đồ bảo hộ chống dịch... do tình trạng khan hiếm hàng; Trao tặng cờ thi đua và bằng khen cho các tập thể, cá nhân của Hội có thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn và tích cực tham gia xây dựng Hiệp hội Giai đoạn 2015 – 2020;
Tham gia tài trợ chương trình và đề xuất các ứng viên cho danh hiệu "Cây Chổi Vàng" lần thứ 3 năm 2021 - Tôn vinh công nhân vệ sinh môi trường do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam khởi xướng và tổ chức.
Trong khoảng thời gian từ sau Hội nghị lần XV đến nay, Hội miền Nam duy trì số lượng hội viên đã kết nạp từ trước, chưa kết nạp thêm hội viên mới, hiện đang xem xét kết nạp thêm 02 đơn vị mới có nhu cầu tham gia Hội.
Từ những kết quả đạt được, thời gian tới Hội miền Nam đưa ra nhiều phương hướng hoạt động: Các Chi hội tiếp tục nắm giữ vị trí, vai trò chủ lực trong công tác phục vụ vệ sinh đô thị tại các địa phương và bảo vệ lợi ích của người lao động; Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường để thu hút các nguồn lực, tiềm năng trong xã hội nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao.
Mở rộng mối quan hệ với các Chi hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên, khu vực miền Bắc, tiếp cận các nguồn thông tin và tranh thủ sự chỉ đạo của Hiệp hội để nắm bắt tình hình, tìm cơ hội gặp gỡ và hợp tác với các tổ chức nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực môi trường đô thị và khu công nghiệp. Tiếp tục liên kết các Chi hội trong khu vực để cùng nhau tháo gỡ những khó khăn đặc thù về cơ chế chính sách để kêu gọi đầu tư từ ngân sách, từ các thành phần kinh tế khác cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại.
Tiếp tục xây dựng mối quan hệ hợp tác liên kết và hỗ trợ nhau giữa các Chi hội, nhằm tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ với chất lượng tốt và có hiệu quả kinh tế. Đầu tư mạnh cho công tác xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại phù hợp với điều kiện của từng địa phương trong khu vực.
Tham gia chương trình đào tạo nghiệp vụ, hội thảo chuyên ngành trong khu vực, trong nước và quốc tế. Đồng thời quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao để đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài sau khi đã chuyển đổi thành công mô hình hoạt động doanh nghiệp.
Tiếp tục hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào ủng hộ các chi hội trong và ngoài khu vực gặp khó khăn do hậu quả của thiên tai, bão lụt, trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Hỗ trợ, giúp đỡ về kinh nghiệm, phương tiện, công nghệ cho các chi hội còn gặp khó khăn trong hoạt động, đặc biệt là các chi hội ở vùng sâu, vùng xa.
Quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển hội viên mới (tập thể và cá nhân), ở các địa phương mới sát nhập, chia tách, vùng sâu vùng xa và các công ty tư nhân có chức năng, sản phẩm thiết bị chuyên dùng phục vụ cho ngành môi trường đô thị. Tiếp tục phát triển hội viên mới đồng thời xem xét đưa ra khỏi danh sách những hội viên bỏ sinh hoạt Hội và không đóng hội phí liên tục từ hai năm trở lên mà không có lý do chính đáng, nhằm xây dựng và phát triển Hội ngày càng vững mạnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả và chất lượng.