Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải đầu nguồn tại hộ gia đình

Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải đầu nguồn tại hộ gia đình

Thứ 6, 28/07/2023, 08:56 GMT+7

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường luôn được các cấp, các ngành của huyện Đan Phượng quan tâm. Trong đó, các mô hình xử lý rác thải đầu nguồn tại hộ gia đình làm phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn đối với công tác bảo vệ môi trường

Thay đổi thói quen của người dân

Nhận thức được việc bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng nên những năm qua, các cấp, ngành, các tổ chức hội trên địa bàn huyện Đan Phượng luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải từ nguồn. Nhờ đó, môi trường, cảnh quan trên địa bàn huyện luôn đảm bảo các tiêu chí xanh - sạch - đẹp.

Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải đầu nguồn tại hộ gia đình

Diện mạo nông thôn mới huyện Đan Phượng thay đổi từng ngày, khang trang sạch đẹp

Ngày 21/7, Hội Nông dân huyện Đan Phượng tổ chức hội nghị ra mắt mô hình xử lý rác thải đầu nguồn tại hộ gia đình làm phân hữu cơ bằng chế phẩm Padco tại xã Thọ An và tặng thùng đựng rác thải hữu cơ cho hội viên nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết, trước đó, trong năm 2022, Hội Nông dân huyện đã triển khai thí điểm mô hình xử lý rác thải đầu nguồn tại hộ gia đình làm phân hữu cơ bằng chế phẩm SUMITR tại xã Đồng Tháp và Thọ Xuân.

Trong đó mỗi xã có 50 hộ hội viên nông dân đăng ký tham gia, hầu hết các hộ đều đăng ký xử lý rác thải hữu cơ tại nhà với quy mô mỗi hộ thực hiện là 500m; tập trung chủ yếu vào xử lý rác sinh hoạt, rác thải hữu cơ dư thừa sau khi sử dụng và canh tác nông nghiệp. Ngoài ra, các hộ cũng đăng ký thực hiện việc xử lý các phế phụ phẩm trong nông nghiệp, trang trại cây ăn quả, ngoài đồng ruộng thành phân bón hữu cơ.

Kết quả thí điểm thu được rất tích cực, giúp làm giảm đáng kể mùi hôi, thối, hạn chế sự ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi. Rác thải được xử lý tận dụng thành nguồn phân bón hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao, thân thiện với môi trường.

Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải đầu nguồn tại hộ gia đình

Hội Nông dân huyện Đan Phượng ra mắt mô hình xử lý rác thải đầu nguồn tại hộ gia đình làm phân hữu cơ bằng chế phẩm Padco tại xã Thọ An và tặng thùng đựng rác thải hữu cơ cho hội viên nông dân.

Ông Đào Quang Ánh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Xuân, cho biết, khi xã Thọ Xuân được Hội Nông dân huyện chọn làm mô hình điểm triển khai phân loại và xử lý rác thải từ nguồn, Hội Nông dân xã rất mừng, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều trăn trở, cần phải làm thế nào để phát huy tối đa hiệu quả.

Hội Nông dân xã đã chọn 50 hộ tiêu biểu trong xã tham gia tập huấn và được phổ biến kiến thức liên quan đến phân loại rác và xử lý rác hữu cơ tại gia đình. Tất cả các hộ tham gia tập huấn được phát chế phẩm vi sinh, đồng thời cũng được hướng dẫn làm mẫu tại một hộ, sau đó thực hành phân loại rác thải và sử dụng chế phẩm vi sinh biến rác hữu cơ thành phân bón cho cây trồng tại chính gia đình nhà mình.

Đáng chú ý, sau khi thực hiện việc thu gom, phân loại rác tại nguồn, nhìn chung các hộ tham gia mô hình đều nhận thức được tác hại của ô nhiễm môi trường, đồng thời cũng thấy được lợi ích của việc xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học trong việc xử lý rác.

Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải đầu nguồn tại hộ gia đình

Người dân ủ phân bón hữu cơ cho cây trồng từ các loại rác thải hữu cơ

Chia sẻ về tính hiệu quả của mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nhà, bà Trần Anh Đào, người dân xã Đồng Tháp, cho biết, cách làm này không những giúp cho môi trường xanh, sạch mà còn tận dụng rác hữu cơ, chống lãng phí… rác hữu cơ từ thức ăn thừa của gia đình, bã đậu, kể cả cỏ, thân lá rau ngoài đồng… cho vào hố ủ trong vườn, tưới thêm nước pha dung dịch men vi sinh rồi đậy lại, ủ thành phân bón cho cây trồng. Nhiều hộ dân đã tự mua chế phẩm sinh học về làm, nên nhiều tháng nay vườn rau của bà con nông dân không phải dùng phân hoá học nữa mà lúc nào cũng xanh mướt, tốt cho sức khỏe, mà hiểu quả mang lại rất tích cực.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Ước tính, lượng chất thải rắn sinh hoạt của huyện Đan Phượng khoảng 88 tấn/ngày. Trong đó, chủ yếu là rác thải sinh hoạt, rác hữu cơ chiếm 50%-54%; Nilon, nhựa chiếm 11.5%-14.5%, còn lại là rác thải khác của các hộ đưa ra môi trường hàng ngày.

Do vậy, việc phân loại rác thải hữu cơ và sử dụng chế phẩm SUMITR đã góp phần làm giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời tiết kiệm chi phí trong việc vận chuyển và xử lý rác của Nhà nước.

Qua số liệu thu thập được từ việc tính toán lượng rác thải ra hàng ngày của các hộ gia đình tại xã Đồng Tháp và Thọ Xuân, kết quả thu được khá khả quan (lượng rác thải tại các gia đình đã giảm được hơn 60% so với thời điểm ban đầu chưa tiến hành thí điểm phân loại và xử lý rác hữu cơ).

Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải đầu nguồn tại hộ gia đình

Đối với các loại rác tái chế, người dân có thể sử dụng để bán đồng nát

Ngoài ra, việc thu gom, xử lý các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đan Phượng cũng đạt được khá tích cực. Các hộ tham gia mô hình đã thực hiện ngay trong khu vực trang trại chăn nuôi, trồng trọt và trên ruộng sau khi thu hoạch, việc xử lý được trên rơm rạ, rau màu, cỏ dại, tương đương với 1ha diện tích trồng trọt, chăn nuôi sau khi xử lý đã thu được từ 2,5 - 3 tấn phân hữu cơ hoai mục.

Lượng phân bón này đã được các hộ sử dụng để bón cho cây trồng giúp cho đất tơi xốp, cây sinh trưởng, phát triển tốt, tăng năng suất và giảm được từ 30 - 40% lượng phân vô cơ bón cho cây trồng so với khi không có phân hữu cơ đồng thời làm giảm chi phi cho người nông dân.

Việc đốt rơm rạ, các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp trên các cánh đồng sau mỗi vụ thu hoạch như hiện nay đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung, huyện Đan Phượng nói riêng. Với thành quả bước đầu, hy vọng rằng, hệ thống thu gom và xử lý rác tập trung tại huyện Đan Phượng sẽ sớm giảm gánh nặng, góp phần cải thiện sức khoẻ và chất lượng môi trường sống.

Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải đầu nguồn tại hộ gia đình

Huyện Đan Phượng tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào phân loại rác thải và xử lý rác tại nhà trên địa bàn toàn huyện, Hội Nông dân huyện Đan Phượng tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Thời gian tới, Hội Nông dân huyện nhân rộng mô hình để giúp cho người dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức và chủ động trong việc thu gom, phân loại, xử lý các loại rác thải ngay tại hộ gia đình, giảm lượng rác thải ra môi trường", Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết...

Hội Nông dân huyện Đan Phượng đề ra mục tiêu, phấn đấu năm 2025 đạt 100% hộ hội viên nông dân thu gom, phân loại rác tại nguồn. Trên 90% lượng bao bì, gói thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng sau sử dụng được thu gom theo quy định.

Nguồn: laodongthudo.vn
 

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc