Với mục tiêu chung tay nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải, TP. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai hiệu quả nhiều chương trình đổi rác lấy quà như "Ngày hội tái chế thu gom túi nilon đã qua sử dụng được làm sạch và các vật dụng tái chế” hay "Tháng cao điểm thực hiện chương trình thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình năm 2022 và tăng cường công tác quản lý chất thải rắn cồng kềnh”, hướng tới xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp, văn minh và đáng sống.
Nằm trong chương trình “thứ Bảy đổi rác lấy quà tích điểm xanh” do Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam (Awaten) tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức, mới đây, tại quận Gò Vấp đã diễn ra chương trình “Ngày hội tái chế thu gom túi nilon đã qua sử dụng được làm sạch và các vật dụng tái chế” lần 2.
Theo đó, người dân có thể thu gom các loại giấy vụn, sách, báo, tạp chí, chai lọ, quần áo cũ… mang đến trụ sở Hội Liên hiệp phụ nữ quận Gò Vấp để đổi rác lấy quà, tích điểm xanh”, góp phần cùng nhau chung tay thu gom, phân loại và tái chế rác thải. Được biết, các mã rác A1, A2, A3, A4 (thùng giấy, chai nhựa sạch, lon nhôm, túi nilon sạch) có thể quy ra tiền; các mã còn lại A5, B1, C1, C2 (vỏ hộp sữa, quần áo cũ, bóng đèn huỳnh quang, pin tiểu thải) sẽ được thu miễn phí, tích điểm xanh đổi quà.
Là đơn vị đồng hành cùng Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam, đại diện Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại dịch vụ Á Châu (đơn vị tài trợ đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm) kỳ vọng, qua hoạt động này sẽ lan tỏa thêm thông điệp về ý thức và hành động phân loại rác đúng cách đến người dân, từ đó góp phần biến rác thải thành tài nguyên. Bằng những hành động thiết thực, nhiều người đã biết đến chương trình, từ đó hình thành thói quen, ý thức tự phân loại rác tại nguồn để môi trường ngày một xanh - sạch - đẹp hơn.
Theo UBND phường 6 (quận Gò Vấp), phân loại chất thải rắn tại nguồn là một trong những giải pháp được TP. Hồ Chí Minh triển khai từ rất sớm. Hiện nay, mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tỷ lệ tăng khối lượng hàng năm khoảng 6 - 10%; khối lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người của thành phố khoảng 0,98 kg/người/ngày. Việc tăng nhanh chóng chất thải rắn đô thị với tính chất, thành phần đa dạng, phức tạp đã trở thành áp lực cho các nhà quản lý và các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý. Vì vậy, sự kiện "đổi rác lấy quà" nhằm tuyên truyền cho người dân hiểu rác có thể tái chế được, để phân loại rác trở thành một việc làm thường xuyên của mỗi cá nhân.
Theo kế hoạch, mỗi tháng chương trình được tổ chức một lần và người dân có thể mang quần áo cũ hoặc túi nilon và vỏ chai nhựa đến đổi rác lấy quà, nhằm chung tay cùng với thành phố nâng cao ý thức phân loại rác thải tại nguồn, tăng tỷ lệ tái chế rác và giảm lượng rác gây ô nhiễm môi trường.
Hoạt động thu gom rác tái chế tích điểm đổi quà nhằm truyền thông rộng rãi thay đổi nhận thức người dân về phân loại rác.
Để tiếp tục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải, Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cũng vừa tổ chức chương trình "Phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn" và "Hướng dẫn ủ phân hữu cơ từ các loại rau thải" trên địa bàn phường Nguyễn Cư Trinh (Quận 1).
Tại chương trình, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận 1 thông tin, tại Quận 1, có các điểm thu gom rác thải nguy hại ở các phường, trường học nhằm tách hoàn toàn rác nguy hại hộ gia đình (pin, bóng đèn, bao bì thải) ra khỏi rác sinh hoạt. Bên cạnh đó, rác cồng kềnh được thu gom theo thỏa thuận với người dân thông qua số điện thoại đường dây nóng của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Quận 1. Hiện nay, người dân đang được tuyên truyền nhận biết phân loại rác tại nguồn. Sau thời gian tuyên truyền và hướng dẫn sẽ tổ chức thu gom theo phân loại rác tại nguồn.
Ngay sau lễ phát động, nhân dân các khu phố hưởng ứng thu gom chất thải rắn tại hộ gia đình và “đổi rác lấy quà”. Kết quả thu được gần 900kg các loại gồm: thùng giấy, chai nhựa sạch, lon nhôm, quần áo cũ, bóng đèn, pin tiểu… Theo Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nguyễn Cư Trinh (Quận 1), mặc dù mang đến là rác, nhưng thứ mà người dân mang về lại không chỉ có những phần quà, quan trọng hơn hết là nhận thức về việc phân loại rác thải tại chính nơi mình đang sinh sống và ý thức để bảo vệ nơi đó càng trở nên sạch và đẹp hơn mỗi ngày.
Cũng tại Ngày hội, Viện Môi trường (IUH) đã trao đổi, tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, Hội viên phụ nữ và người dân cách phân loại rác tại nguồn, phương pháp sử dụng rác hữu cơ gia đình (Nhóm 2) để ủ làm phân hữu cơ compost, tự trồng rau sạch hữu cơ… Qua đó, phụ nữ các khu phố cùng thực hành ủ phân mùn hữu cơ theo các bước: chọn các nguyên liệu rau, củ, quả, thực phẩm thừa; băm nhỏ; phối trộn nguyên liệu với mùn xơ theo tỷ lệ 50:50 và 20g men vi sinh cho xô ủ 20 lít; ủ phân trong xô có nắp đậy và đục lỗ chung quanh, đáy xô lót mùn dừa hút ẩm; đảo trộn định kỳ 7 ngày/lần trong 3 - 4 tuần và kiểm tra phân mùn đạt chất lượng về độ ẩm, mùi đất dễ chịu, màu nâu đều; thu hoạch lấy phân mùn để trồng cây.
Theo Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, thông qua chương trình, các hộ gia đình có thể sử dụng để trồng rau, trồng cây tại nhà vừa giảm lượng rác thải ra môi trường vừa tạo ra nguồn phân bón hữu cơ tốt cho hộ gia đình mình…
Nguồn: Báo điện tử Đại Biểu Nhân Dân