Hậu Giang xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao gắn với nông thôn mới!

Thứ 2, 19/12/2022, 01:38 GMT+7

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của tỉnh, thời gian qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Báo NTNN đã có buổi phỏng vấn ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang về những kết quả đạt được trong phong trào xây dựng Nông thôn mới.

nông thôn mới

Với sự  quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang, đến nay phong trào xây dựng NTM của tỉnh đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

- Đến nay, tỉnh Hậu Giang đã có 35/51 xã đạt chuẩn NTM và ước thực hiện cuối năm 2022 là 37/51 xã đạt chuẩn NTM, đạt 72,55% (tăng 3 xã, tương đương 5,88% so với cuối năm 2021 và đạt 100% so với Nghị quyết HĐND tỉnh).

Trong năm 2022, tỉnh đã công nhận mới 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Long Trị A, Thuận Hưng), lũy kế đạt 7 xã. Dự kiến đến cuối năm công nhận thêm 1 xã, lũy kế toàn tỉnh có 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 3 xã so với cuối năm 2020 và đạt 100% so với Nghị quyết HĐND tỉnh).

Đến nay, số tiêu chí bình quân đạt được là 17,5 tiêu chí/xã, dự kiến cuối năm đạt 18,2 tiêu chí/xã. Phong trào xây dựng NTM được người dân tỉnh Hậu Giang rất đồng thuận và chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện.

Riêng về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hiện toàn tỉnh có 105 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (gồm 48 sản phẩm đạt 4 sao và 57 sản phẩm đạt 3 sao). Ước thực hiện đến cuối năm 2022, công nhận ít nhất 40 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số lên 145 sản phẩm OCOP; hoàn thiện 5 hồ sơ dự thi sản phẩm OCOP 5 sao của Trung ương.

Tỉnh Hậu Giang đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2023 như thế nào để đẩy mạnh Chương trình xây dựng NTM?

- Mục tiêu phấn đấu năm 2023 của tỉnh Hậu Giang là tiếp tục thực hiện theo chỉ tiêu quy định của Trung ương giao. Trong đó tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và chất lượng sống của dân cư nông thôn.

Tỉnh tiếp tục chỉ đạo giữ vững và nâng chất đối với các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và huyện đạt chuẩn NTM, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Qua đó, tỉnh đề ra chỉ tiêu cụ thể năm 2023 sẽ công nhận thêm 3 xã NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 40 xã đạt 78,43%; công nhận thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 12 xã. Công nhận mới 2 xã NTM kiểu mẫu.

Công nhận thêm 40 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số sản phẩm toàn tỉnh lên 185; phấn đấu 5 hồ sơ đăng ký dự thi sản phẩm OCOP Trung ương.

Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng NTM trong năm 2023, tỉnh đề ra những giải pháp để thực hiện mục tiêu trên như thế nào, thưa ông?

- Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng NTM trong năm 2023, giải pháp tỉnh Hậu Giang đề ra là tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM.

Trong đó nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng NTM đến cơ sở; phát động phong trào thi đua "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025"; "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" và phong trào "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch"; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng NTM.

Một trong những giải pháp căn cơ mà tỉnh tập trung là đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao mức sống của người dân nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông minh vào các khâu sản xuất, nhằm tăng chất lượng, sức cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình OCOP theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, để chương trình trở thành động lực kinh tế trọng tâm ở nông thôn. Phát triển kinh tế hợp tác, HTX nhanh về số lượng, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động; phát triển các loại hình HTX trong các lĩnh vực, chú trọng HTX nông nghiệp… Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh.

Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản. Đẩy mạnh phát triển các ngành nghề nông thôn, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ, kết hợp chuyển dịch dần lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang các khu vực kinh tế khác.

Song song đó, tỉnh tập trung kiện toàn bộ máy và tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về xây dựng NTM và Chương trình OCOP; tăng cường huy động các nguồn lực thực hiện chương trình...

Nguồn: https://www.mard.gov.vn/ từ báo Dân Việt

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc