Hàn Quốc hiện đang trở thành quốc gia kiểu mẫu trong việc áp dụng các biện pháp phân loại, xử lý và tái chế gần như 100% rác thải thực phẩm thành phân bón, khí sinh học thậm chí là thức ăn chăn nuôi…
Nằm gần cạnh đường cao tốc dẫn ra vào cửa ngõ phía Tây Seoul, Trung tâm xử lý rác Nanji, nơi Choi Sung-ho làm việc, chủ yếu giải quyết chất thải từ bồn cầu. Nhưng mùi bốc ra từ cơ sở này đến từ thức ăn phân hủy… đó cũng là nguồn cơn gây căng thẳng giữa trung tâm và những cư dân gần đó.
Chất thải thực phẩm được tập kết tại một cơ sở xử lý chất thải ở Seoul... trong thành phố 10 triệu dân này, mỗi ngày thải ra 2.500 tấn rác thực phẩm
Kể từ khi Hàn Quốc cấm chôn lấp chất thải thực phẩm vào năm 2005, tiếp theo đó là lệnh cấm đổ sản phẩm phụ dạng lỏng (được gọi là nước rỉ rác) ra biển vào năm 2013, quốc gia này đã nghiên cứu và vận hành một chương trình ủ phân toàn diện để tái chế gần như toàn bộ thực phẩm thải bỏ thành phân bón, thức ăn chăn nuôi hoặc trong trường hợp của Trung tâm xử lý rác Nanji, một loại nhiên liệu gọi là khí sinh học.
Mỗi ngày, nhà máy xử lý khoảng 130 tấn nước rỉ rác từ các công ty thu gom rác thải ở khu vực xung quanh. Chất lỏng được đổ vào bể bê tông, trong khoảng thời gian từ 15 đến 30 ngày, nó sẽ bị phân hủy bởi các vi sinh vật trong một quá trình gọi là phân hủy kỵ khí. Khí sinh học mà quá trình này tạo ra sau đó sẽ được thu giữ và bán cho một công ty tiện ích địa phương, công ty này sẽ sử dụng nó để sưởi ấm các ngôi nhà trong khu vực.
"Quá trình này giống như tiêu hóa ở người. Chúng tôi duy trì bể ở 36 - 37 độ C, tương tự nhiệt độ cơ thể người", Choi giải thích.
Người dân Hàn Quốc đã được yêu cầu sử dụng túi đựng rác thực phẩm có màu vàng mờ để vứt bỏ thức ăn thừa kể từ năm 2013
Thức ăn thừa tập kết ở Trung tâm xử lý rác Nanji được đựng trong túi màu vàng trong suốt. Đây là loại túi Hàn Quốc quy định dùng để chứa thức ăn bỏ đi kể từ năm 2013. Bằng cách mua chúng với giá khoảng 70 xu một lít và được bán ở bất kỳ cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng tạp hóa nào, người dân sẽ phải trả thuế cho thực phẩm mà họ vứt đi một cách hiệu quả. Doanh thu từ túi được mỗi quận thu và dùng để bù đắp một phần cho chi phí vận chuyển và xử lý rác thải thực phẩm.
Jang Ji-ae, người đứng đầu nhóm quản lý chất thải thực phẩm của thành phố, cho biết: “Ở Seoul nói chung, phí túi chiếm khoảng 40% tổng chi phí xử lý, khiến thành phố tiêu tốn khoảng 153 triệu USD mỗi năm”.
Máy thu gom thực phẩm có tên “CleanNet” tại một khu chung cư ở Seoul
Quy trình vứt rác rất quen thuộc với mỗi người dân Seoul, đó là hút hết hơi ẩm và đặt túi rác đầy trong thùng cá nhân màu xanh ở lề đường lúc sẩm tối. Ở một số tổ hợp căn hộ, cư dân có thể bỏ qua túi đựng và đổ thẳng rác thải thực phẩm vào thùng rác điện tử có chức năng tự động cân và tính phí. Những biện pháp này thúc đẩy người dân kiểm soát lượng rác mà họ tạo ra.
"Họ có thể nhận thức họ đã vứt đi bao nhiêu. Điều đó khiến họ không thoải mái", Jang cho biết.
Hàn Quốc hiện tái chế gần 100% rác thải thực phẩm, đây là quốc gia điển hình trên thế giới trong lĩnh vực này
Sau đó, tại các cơ sở xử lý xung quanh thành phố, rác trong túi được đổ ra và loại bỏ bất kỳ vật thể lạ nào. Phần còn lại sẽ được nén, khử nước và xử lý thành phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi, trong khi chất lỏng chảy ra được chuyển tới các nhà máy xử lý nước thải như Nanji. Theo quy trình này, Hàn Quốc hiện nay tái chế gần như 100% rác thải thực phẩm, một bước nhảy vọt đáng chú ý so với mức chỉ 2,6% vào năm 1996.
Tính hiệu quả của hệ thống xử lý rác thải thực phẩm ở Hàn Quốc biến nó thành một trường hợp kiểu mẫu cho chính phủ các nước khác. Năm ngoái, nhóm của Jang đã tổ chức một buổi tham vấn qua Zoom với các quan chức ở Tokyo. Ở Nhật Bản, thức ăn thừa bị vứt cùng rác thải khác và đưa vào lò đốt, nhưng các quan chức Tokyo đang tìm hiểu các phương án, giải pháp thay thế theo định hướng tái chế.
Để có được những thành công bước đầu của dự án xử lý rác thải, các đơn vị đã phải trải qua nhiều phép thử khác nhau, trong đó có cả những sai sót
Ở Hàn Quốc, việc tách riêng thực phẩm khỏi rác thải thông thường, bắt đầu vào cuối thập niên 1990. Do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã dẫn đến tình trạng quá tải dân số ở thủ đô, trong khi đó mức sống ngày càng tăng lên dẫn tới lượng rác thải chưa từng thấy trong những thời điểm khó khăn. Những khu dân cư phải sống chung với các bãi rác khổng lồ đã đầy, kéo theo nhiều bất tiện vì mùi hôi thối và ruồi nhặng. Điều này đã dẫn đến việc Hàn Quốc ban hành lệnh cấm đổ rác thải thực phẩm ra bãi rác vào năm 2005, buộc người dân phải làm quen với việc vứt riêng thức ăn thừa.
Kim Mi-hwa - Chủ tịch Mạng lưới phong trào không rác thải Hàn Quốc (Korea Zero Waste Movement Network), một liên minh quốc gia gồm 180 nhóm môi trường làm việc với chính phủ về kế hoạch tái chế, cho biết: “Đã có rất nhiều thử nghiệm và sai sót với nhiều bài học kinh nghiệm. Tôi có thể nói rằng, mãi đến khoảng năm 2013 thì chúng tôi mới có thể gọi đó là một thành công”.
Vấn đề trong những ngày đầu là nhiều người đã vi phạm quy tắc. Không quen với việc phải phân loại và thu gom rác thải thực phẩm trong nhà, một số cư dân lại tìm cách lén vứt thức ăn thừa cửa mình vào thùng rác công cộng. Chính quyền địa phương buộc phải treo thưởng cho người báo cáo các trường hợp vi phạm, đồng thời xử phạt người vứt rác không đúng quy định. Bên cạnh đó, tổ chức của Kim còn tham gia vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành luật trên khắp cả nước.
“Tại các ga tàu điện ngầm hồi đó, bạn sẽ thấy những biển báo yêu cầu mọi người đừng vứt rác thực phẩm ở đó”, Kim nói.
Ở Hàn Quốc, việc phân loại rác thải thực phẩm khỏi rác thải thông thường bắt đầu vào cuối những năm 1990. Quá trình đô thị hóa dẫn đến tình trạng quá tải ở Seoul, đẩy các khu dân cư vào tình trạng phải chôn lấp các bãi rác khổng lồ
Bản thân chương trình tái chế cũng gặp nhiều trở ngại không kém. Phương pháp xử lý rác thải thực phẩm thành phân bón, thức ăn chăn nuôi và khí sinh học hiện nay là kết quả sau vài thử nghiệm thất bại như cho vịt ăn thức ăn thừa hoặc ủ phân bón trong các trang trại nuôi giun đất quy mô lớn.
Theo quy định mới nhằm giảm sử dụng nguồn nhiên liệu thải nhiều carbon, Seoul sẽ mở rộng sản xuất khí sinh học, tăng từ mức 7% sản lượng tái chế rác thải thực phẩm lên 50% vào năm 2026. Để đáp ứng mục tiêu này, một cơ sở sản xuất khí sinh học mới đang được phát triển ở Nanji.
Nguồn: Theo Trung Tâm Thông Tin Và Thống Kê KH&CN, "Hàn Quốc đã biến thức ăn thừa thành tiền như thế nào?", đăng ngày 08/09/2023, xem tại link: https://cesti.gov.vn/bai-viet/CTDS6/han-quoc-da-bien-thuc-an-thua-thanh-tien-nhu-the-nao-ec0c40d6-e2ef-4d86-a9d9-685d4a1b47cc, truy cập ngày 01/11/2024