Việc phân loại rác thải tại nguồn vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa sử dụng được nguồn nguyên liệu tái chế cho nhiều lĩnh vực sản xuất, hơn hết chính là giảm được nguồn rác thải ra môi trường
Nhằm nâng cao nhận thức, từ đó góp phần chuyển biến thành hành động cho học sinh trong công tác bảo vệ môi trường, vừa qua, 620 học sinh khối 10 trường trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn – Hải Phòng đã có mặt tại khu liên hợp xử lý rác thải Tràng Cát để chứng kiến công đoạn “biến” rác thành phân hữu cơ trong quy trình sản xuất phân mùn Compost.
Bạn Đinh Hoàng Anh - học sinh lớp 10C11 trường THPT Trần Nguyên Hãn cho biết: “Thông qua buổi trải nghiệm em được biết thêm về quy trình xử lý rác thải, hiểu thêm về công việc của các cô chú công nhân vệ sinh môi trường, nếu như phân loại rác thải từ đầu nguồn không chỉ giúp các bác công nhân giảm được công phân loại mà còn giúp ích cho việc lấy nguyên liệu để làm phân bón và giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp gây tác động tiêu cực đến môi trường”.
Phân loại rác tại nguồn góp phần tiết kiệm được tài nguyên; mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến; góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý; vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, hơn hết chính là giảm được nguồn rác thải ra môi trường.
Hơn 600 học sinh tham gia trải nghiệm phân loại rác thải tại nguồn
Bạn Trần Lê Uyên Nhi học sinh lớp 10C3 trường THPT Trần Nguyên Hãn chia sẻ: “Chúng em thấy may mắn khi được tham gia buổi trải nghiệm, buổi trải nghiệm vô cùng ý nghĩa và thiết thực giúp em hiểu được hiểu sâu hơn vấn đề của môi trường hiện tại, về cách xử lý rác thải.Chúng em tự rút ra cho mình nhiều bài học và em sẽ là tuyên truyền viên với mọi người xung quanhđể bảo vệ môi trường sống của chúng ta hiện nay.”
Ngoài ra, các nguồn nguyên liệu có thể tái chế như: rác hữu cơ, giấy, nhựa, kim loại… cũng bị vùi chôn trong đất mà theo tính toán phải mất hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy. Trong khi đó, việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Đặc biệt, với lượng hữu cơ lớn trong rác thải sinh hoạt (ước tính khoảng 50 - 70%), đây sẽ là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường.
Trao đổi với PV Môi trường Đô thị Việt Nam, ông Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng trường THPT Trần Nguyên Hãn cho biết: “Qua buổi trải nghiệm các em tự mình cảm nhận được việc ảnh hưởng rất lớn của rác thải đến môi trường xung quanh, các em được biết về quy trình xử lý rác thải hiện nay và tận mắt thấy những người công nhân phải xử lý rác thải khó khăn như thế nào. Từ đó sẽ có sự chuyển biến trong nhận thức của các em, giúp có ý thức bảo vệ môi trường, các em rèn luyện thói quen phân loại rác... hy vọng các em trở thành những tuyên truyền viên đối với gia đình, khu dân cư và lan tỏa những thông điệp tích cực đến với cộng đồng. Theo tôi được biết đây cũng là buổi trải nghiệm đầu tiên của các em học sinh trường THPT Trần Nguyên Hãn nói riêng và học sinh THPT toàn thành phố Hải Phòng nói chung, đến với khu liên hợp xử lý rác thải Tràng Cát.”
Được biết, trước đó ngày 3/4 tại trường THPT Trần Nguyên Hãn, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng và Công ty Cổ phần cấp nước Hải Phòng đã có buổi tuyên truyền về bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường đối với 1744 học sinh của trường THPT Trần Nguyên Hãn.
Sau buổi trải nghiệm này của trường THPT Trần Nguyên Hãn, mỗi học sinh sẽ là một tuyên truyền viên tích cực lan tỏa đến gia đình và cộng đồng xã hội trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, góp phần đạt được mục tiêu chung là bảo vệ môi trường sống của chúng ta ngày càng xanh- sạch- đẹp.
Nguồn: Tạp chí điện tử Môi Trường và Đô Thị Việt Nam