Hà Nội triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, cấp nước sạch cho người dân

Thứ 6, 13/10/2023, 10:25 GMT+7

Thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường như việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đầu tư đồng bộ về hạ tầng thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt… là những hoạt động cụ thể mà thành phố Hà Nội sẽ triển khai đến năm 2025.

100% bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom và xử lý

Theo Quyết định số 4968 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đến năm 2025, UBND thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu sẽ đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và tổ chức trong công tác bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch nông thôn, đảm bảm an toàn thực phẩm cho người dân toàn thành phố.

Trong đó, đến năm 2025, ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định.

Đồng thời, thành phố sẽ hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt tại các địa phương; bảo đảm ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 100% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định; triển khai 1-2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp…

Ngoài ra, đến năm 2025, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận tương đương hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, đạt 100% với tiêu chuẩn dùng nước 105-110 lít/người/ngày; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung đạt ít nhất 70%; bảo đảm cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung.

Bảo vệ môi trường

Ảnh minh họa 

8 hành động cụ thể

Để đạt được mục tiêu trên, UBND thành phố Hà Nội đưa ra 8 nhóm hành động cụ thể để triển khai và quản lý gồm: chất thải và phụ phẩm công nghiệp; bao bì thuốc bảo vệ thực vật; chất thải rắn sinh hoạt; nước thải sinh hoạt; bảo vệ môi trường làng nghề; cảnh quan nông thôn; an toàn thực phẩm nông lâm sản; cấp nước sạch nông thôn.

UBND thành phố các đơn vị liên quan rà sóa, hoàn thiện chính sách về khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế; cơ chế huy động đóng góp của người dân với nguồn lực bảo vệ môi trường.

Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của kế hoạch; triển khai lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch, dự án của cơ quan, đơn vị để thực hiện chương trình; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thực hiện kế hoạch này...

UBND các quận, huyện, thị xã chủ động bố trí nguồn vốn ngân sách cấp huyện và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch tại địa phương theo đúng quy định.

Ngoài ra, các đơn vị chức năng cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn, chuyển đổi tư duy nhận thức, kiến thức, pháp luật, hành động của người dân, cán bộ nông thôn mới các cấp về công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và nước sạch nông thôn. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; tập huấn, nâng cao năng lực về công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ý kiến bạn đọc