Tiếp nối những thành công đã đạt được, dự án Mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa giá trị thấp sẽ tiếp tục triển khai tại Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) từ tháng 3 – 7/2023 với sự tham gia của người dân, chính quyền, công nhân môi trường và người thu mua ve chai.
Dự án sẽ được triển khai ở 6 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, gồm: Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Trống, Cửa Đông, Phúc Tân, cả trong khu dân cư và các trường học. Mục tiêu là mỗi tuần thu gom được ít nhất 100 kg rác nhựa giá trị thấp và 50% tổng số người dân các phường tham gia phân loại.
Giai đoạn 2 dự án sẽ thiết lập 5 điểm thu gom rác thải nhựa giá trị thấp do nhiều thành phần tham gia như: Công nhân môi trường, người dân, hội phụ nữ, các trường học…; thiết lập vận chuyển và phân loại tại kho tập kết; tái chế thành mảnh/hạt nhựa tái sinh hoặc chuyển giao cho các đơn vị xử lý thành các sản phẩm tái chế khác như vật liệu xây dựng.
Hình ảnh minh họa
Nhựa giá trị thấp sẽ thu gom gồm túi ni-lông, bao gói bột giặt, túi đựng bim bim, cốc, ống hút, thìa nhựa, hộp xốp. Người dân khi phân loại rác thải nhựa phải giũ thức ăn thừa, tạp chất còn sót lại rồi để ráo, sau đó lèn chặt vào túi ni-lông sẵn có, buộc chặt túi rác, chuyển cho người thu gom ve chai hoặc công nhân môi trường. Khi đủ số lượng, rác được bàn giao cho Công ty cổ phần VietCycle để phân loại, tái chế thành mảnh nhựa, hạt nhựa, năng lượng hoặc vật liệu xây dựng.
Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm, quá trình thí điểm sẽ giúp người dân, cán bộ nâng cao kỹ năng phân loại, thu gom rác. Khi UBND TP Hà Nội có hướng dẫn về phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì quận sẽ có kinh nghiệm để thực hiện ngay.
Trước đó, quận Hoàn Kiếm đã thí điểm giai đoạn 1 dự án giảm rác thải nhựa trong thời gian 4 tháng (3 - 6/2022) trên địa bàn 6 phường thuộc Quận Hoàn Kiếm. Dự án đã hướng dẫn 8.000 hộ dân phân loại rác nhựa giá trị thấp tại nguồn; 7.000 hộ dân đã trực tiếp tham gia phân loại tác tại nguồn. Lượng rác nhựa giá trị thấp thu gom được từ 6 phường là 16 tấn (trung bình khoảng 170 kg/ngày).
Rác thải nhựa giá trị thấp chủ yếu là các loại bao bì, túi mềm lẫn tạp chất, hóa chất, ít có giá trị tái chế nên thường không được thu gom, xử lý. Tuy nhiên, loại rác này chiếm khoảng 15% lượng rác tại các bãi và hiện chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Nguồn: Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường
Xem thêm: