Các mô hình “Máy vớt rác làm từ rác” của giảng viên trẻ thuộc Đại học Cần Thơ và biến vỏ sầu riêng, bã mía thành than hữu cơ không khói của hai học sinh THCS tại Đồng Nai là những sáng kiến cần được phát huy hơn nữa trong giới trẻ, hưởng ứng “Tháng Thanh niên” năm 2022.
Máy vớt rác WSCA 2.0 vận hành tại sông Hoài (Quảng Nam). (Ảnh: TTXVN)
Chiếc máy vớt rác trôi nổi trên sông với hơn 70% thành phần cấu tạo được làm từ vật liệu tái chế đã đạt giải Nhất trong cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không rác thải nhựa” do UNESCO tổ chức năm 2020. Đây là sản phẩm của một nhóm bạn trẻ, đứng đầu là giảng viên sinh năm 1991 Huỳnh Ngọc Thái Anh, Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ
Với thế mạnh từ chuyên môn là công nghệ thông tin, Thái Anh đã tạo ra chiếc máy vớt rác WSCA 2.0 khắc phục được nhược điểm của máy vớt rác do Nhật Bản tài trợ, đó là tự động hóa thay vì điều khiển máy bằng sức người. Đồng thời, máy vớt rác nhỏ gọn, vận hành đơn giản và tự động, dễ dàng nhân rộng, chi phí rẻ và giảm ngay lượng rác thải nhựa tại nguồn.
Thái Anh cho biết, chiếc máy vớt rác WSCA 2.0 được UNESCO trao giải Nhất đã là phiên bản thứ 2. Trước đó, nhóm đã cho chạy thử phiên bản 1 trong dự án CaiRang Green River, thu gom rác ở khu vực chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ).
Ở phiên bản này, máy hoạt động theo nguyên lý băng tải, rác được cuốn vào băng chuyền và chuyền xuống hộc chứa. Mỗi lần chứa được từ 15-20kg rác thải nhựa.
Ở phiên bản thứ hai, máy được cải tiến, sử dụng được năng lượng mặt trời và tích hợp điều khiển bằng điện thoại thông minh. Nhờ vậy, hoạt động của động cơ lưới cuộn, chân vịt, hệ thống đèn báo và chiếu sáng cho thiết bị khi vận hành vào buổi tối hoàn toàn tự động.
Thái An cho biết thêm chiếc máy vớt rác WSCA 2.0 đang được vận hành tại khu vực sông Hoài (Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam) thay vì vùng Đồng bằng sông Cửu Long là do yêu cầu của UNESCO khi triển khai các mô hình tại những điểm “nóng” về ô nhiễm môi trường, nhất là những điểm du lịch nổi tiếng.
Hiện tại, nhóm đang nghiên cứu để tiếp tục nâng cấp và nhân rộng mô hình chiếc máy vớt rác tự động này để có thể vận hành tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian sớm nhất.
Ở phiên bản tới, máy vớt rác WSCA sẽ tích hợp công nghệ camera quan trắc, được lập trình trí tuệ nhân tạo để nhận dạng rác nổi và camera 360 xây dựng nội dung đa phương tiện thực tế ảo.
Các công nghệ này sẽ giúp các nhà nghiên cứu về môi trường thu nhận thông tin về ô nhiễm, rác thải nhựa… một cách trung thực, nhanh chóng; trên cơ sở đó, thiết lập các chương trình tuyên truyền về biến đổi khí hậu, rác thải nhựa… thiết thực và thuyết phục nhất.
Ảnh: Võ Hưng Thái và Nguyễn Thái Đăng Khoa (lớp 8/1, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, huyện Tân Phú)
Tại Đồng Nai, tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp là vỏ sầu riêng và bã mía, hai học sinh Võ Hưng Thái và Nguyễn Thái Đăng Khoa (lớp 8/1, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, huyện Tân Phú) đã nghiên cứu tạo thành than hữu cơ không khói.
Theo tìm hiểu của nhóm dự án, hiện nay, mỗi năm Việt Nam sản xuất được khoảng 500 ngàn tấn sầu riêng, tạo ra lượng phế phụ phẩm khoảng 300 ngàn tấn/năm; sản lượng mía trên cả nước là 16 triệu tấn/năm, sau chế biến tạo ra lượng bã mía khoảng 4 triệu tấn/năm.
Riêng tại địa bàn huyện Tân Phú hiện có 1.950ha trồng sầu riêng. Lượng vỏ sầu riêng và bã mía sau khi thu hoạch đa phần được bà con nông dân đốt trực tiếp để thải bỏ. Nhận thấy bã mía và sầu riêng có thể sử dụng để sản xuất than không khói, cô - trò trường học vùng sâu này đã bắt tay vào nghiên cứu. Nhóm hy vọng việc nghiên cứu sản xuất thành công than không khói từ bả mía, vỏ sầu riêng sẽ tận dụng được hết nguồn phế phẩm nông nghiệp của địa phương, đồng thời góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe con người.
Theo tính toán của nhóm, loại than hữu cơ này nếu được đầu tư sản xuất hoàn toàn có khả năng thương mại hóa. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm ra tỷ lệ phối trộn hợp lý, tối ưu hơn.
Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT