Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng

Thứ 5, 25/01/2024, 01:04 GMT+7

Dự kiến, trong năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý của ngành xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ kiểm kê phát thải khí nhà kính 50 doanh nghiệp sản xuất xi măng để tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng. Hệ số phát thải của từng nhóm ngành sản phẩm cũng cho thấy cường độ phát thải và phát thải công nghiệp của nhóm sản xuất xi măng là cao nhất. Cụ thể trong năm 2014, hoạt động sản xuất ximăng phát thải 47,64 triệu tấn CO2 tương đương; đến năm 2022, lượng phát thải tăng lên 91,93 triệu tấn.

Ngành xi măng có 3 nguồn phát thải chính bao gồm: Phát thải từ nguyên liệu sản xuất clanhke, xi măng; Phát thải từ nguồn nhiên liệu nung; Phát thải gián tiếp từ việc sử dụng điện. Loại xi măng chiếm tới 99% sản lượng toàn cầu hiện nay là xi măng Portland. Theo Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), sản xuất 1 tấn clanhke (một thành phần cơ bản của xi măng Portland) phát thải tới 57% CO2 từ nguyên liệu và không thể thay đổi được. Hiện nay, sản xuất 1 tấn clanhke ở Việt Nam đang phát thải khoảng 905 kg CO2. Trong đó, phát thải từ nguyên liệu đầu vào đã chiếm 525 kg CO2/tấn clanhke; phần năng lượng cần cung cấp cho các phản ứng hóa học tạo ra 1 tấn clanhke cũng phát thải ra khoảng 179 kg CO2.  

Giảm tiêu thụ điện năng/sử dụng năng lượng tái tạo và sử dụng nhiên liệu đốt thay thế là những giải pháp nhằm iảm phát thải trong ngành xi măng. 

Trong 5 năm gần đây, sản lượng sản xuất xi măng tại Việt Nam đạt xấp xỉ 100 triệu tấn/năm, sản lượng clanhke đạt khoảng 80 triệu tấn/năm. Xi măng chiếm tới 3/4 tổng lượng phát thải khí nhà kính của ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Theo Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, các dây chuyền công nghệ sản xuất đã đầu tư hay đầu tư mới đều phải giảm phát thải xuống từ 650 kg CO2/tấn xi măng trở xuống vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu này, đến hết năm 2025, 100% các dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải; sử dụng tối thiểu 20% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất clanhke và làm phụ gia trong sản xuất xi măng và tăng lên 30% vào năm 2030. Việc sử dụng nhiên liệu thay thế lên đến 15% tổng nhiên liệu dùng để sản xuất clanhke xi măng.

Thông tin từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, giải pháp giảm phát thải hiệu quả nhất là giảm tiêu thụ điện năng/sử dụng năng lượng tái tạo và sử dụng nhiên liệu đốt thay thế. Cụ thể là tái sử dụng nhiệt thải lò nung để phát điện và dùng rác thải thay cho than đốt. Công nghệ sử dụng nhiệt thải có thể giúp các nhà máy tự túc từ 25 - 30% nhu cầu điện. Dù phát thải từ điện không lớn nhưng đó cũng thể hiện nỗ lực của doanh nghiệp. Hiện nay, đã có 40% nhà máy xi măng có công suất thiết kế ≥ 2.500 tấn clanhke/ngày đã lắp đặt thiết bị thu hồi nhiệt thải này.

Về sử dụng nhiên liệu đốt (chiếm 36 - 37% tổng phát thải khí nhà kính trong sản xuất xi măng), các nhà máy của Việt Nam vẫn dùng than là chủ yếu. Nếu thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới carbon CBAM, doanh nghiệp châu Âu có lợi thế nhờ việc bù trừ phát thải các-bon do dùng rác làm nhiên liệu đốt lò nung xi măng. Trên thực tế, tổng phát thải của họ chỉ thấp hơn một chút so với Việt Nam (khoảng 850kg CO2/tấn clanhke so với 905kg CO2/tấn clanhke). Cơ quan quản lý cần phải có chính sách khuyến khích cụ thể cho các nhà sản xuất xi măng, xây dựng cơ chế tính bù trừ mức phát thải carbon khi sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế, đặc biệt là khi sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế nung clanhke xi măng.

Dự kiến, trong năm 2024, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý của ngành xây dựng. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ kiểm kê phát thải khí nhà kính 50 doanh nghiệp sản xuất xi măng để tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Kiểm kê khí nhà kính là quá trình rà soát, tính toán các nguồn phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong phạm vi ranh giới xác định theo hướng dẫn đã được ban hành của Uỷ ban liên Chính phủ năm 2006 và các hướng dẫn hiện hành mới nhất được công bố. Việc kiểm kê phát thải khí nhà kính chính là bước đi đầu tiên và nền tảng nhất để doanh nghiệp biết được vị trí trong bản đồ giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, từ đó đưa ra những kế hoạch cắt giảm khí thải nhà kính hợp lý.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng Kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý của ngành xây dựng theo quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP và dự kiến văn bản sẽ ban hành vào năm 2024. Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có 50 cơ sở sản xuất xi măng là đơn vị đầu tiên phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính, đến năm 2026 bắt đầu xây dựng, triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để đáp ứng hạn ngạch phát thải trước khi được phép tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon.

Kiểm kê khí nhà kính đối với doanh nghiệp sản xuất xi măng là nhiệm vụ quan trọng nhằm triển khai các giải pháp kiểm soát phát thải.

Sản xuất ximăng, gạch xây nung và sử dụng vật liệu xây dựng trong các toà nhà là hai nhóm nguồn phát sinh khí nhà kính lớn nhất trong ngành Xây dựng. Để đạt được cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, thời gian tới, việc phát triển sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam cần phải thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm; giảm và thay thế sử dụng nhiên liệu hóa thạch sớm nhất có thể.

Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, ngành Xây dựng hiện đang đóng góp vào phát thải khí nhà kính quốc gia từ hai nguồn chính. Thứ nhất là nguồn phát thải khí nhà kính thông qua các phản ứng hóa học từ quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng (phần lớn là từ sản xuất ximăng, khí nhà kính phát thải trong quá trình nung clinker). Nguồn hai từ quá trình sử dụng năng lượng là nhiên liệu hoá thạch cho các hoạt động và vận hành sản xuất, thương mại thuộc nhóm phát thải năng lượng. Thực tế cho thấy hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, ximăng sử dụng một lượng lớn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, đất sét.

Bên cạnh đó, việc phát thải từ quá trình sử dụng điện lưới cho các hoạt động sản xuất, thương mại cũng đã được tính đến trong hệ thống kiểm kê quốc gia, thuộc nhóm sản xuất năng lượng và được xem là phát thải gián tiếp. Ngành Xây dựng còn có các nguồn phát thải khi tính đến chuỗi giá trị hay carbon như sử dụng vật liệu xây dựng trong các toà nhà, công trình; phát thải rò rỉ khi sử dụng máy lạnh, phát thải khi sử dụng dịch vụ vận chuyển… Thời gian tới cần phải có các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất để Xanh hóa ngành sản xuất vật liệu xây dựng, Xanh hóa ngành công nghiệp xây dựng; góp phần Xanh hóa nền kinh tế và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam.

Nguồn: Tạp Chí Điện Tử Thiên Nhiên Và Môi Trường

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc