Giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Thứ 4, 20/12/2023, 02:00 GMT+7

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sự gia tăng chất thải trong sản xuất nông nghiệp đã và đang tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng sức khỏe và cuộc sống của người dân tại nhiều địa phương trên cả nước.

Nông dân xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định.

Những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển trên cơ sở phát huy các lợi thế, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp đã phát sinh sức ép lên môi trường từ việc sử dụng hóa chất trong hoạt động trồng trọt, thức ăn dư thừa trong chăn nuôi, xử lý rơm rạ sau thu hoạch…

Trong trồng trọt, việc sử dụng phân bón hóa học mất cân đối, ít sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, thời gian bón, cách bón phân không khoa học và mang tính tự phát, dẫn đến hậu quả làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, làm cho đất bị chua hóa, mất khả năng sản xuất.

Song song với việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, lượng chất thải rắn từ hoạt động trồng trọt, nhất là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, cũng đang tăng nhanh và khó kiểm soát. Mặc dù nhiều địa phương đã xây dựng bể chứa bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đặt tại đầu bờ ruộng, nhưng số lượng bể chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn lượng lớn bao bì thải bỏ ngay tại đồng ruộng, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước dưới đất và nước mặt.

Theo số liệu thống kê năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng chất thải rắn phát sinh trong hoạt động trồng trọt ở nước ta xấp xỉ 661,5 nghìn tấn, trong đó có 550 nghìn tấn rác thải ni-lông; 77,49 nghìn tấn rác thải bao bì, phân bón và 33,98 nghìn tấn rác thải thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài ra, chất thải rắn phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, trâu bò, gia cầm khoảng 6,93 triệu tấn và 77 nghìn tấn chất thải nhựa của bao thức ăn; hoạt động nuôi trồng thủy sản phát sinh 880 nghìn tấn chất thải, 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn và chất thải khác.

Tình trạng đốt rơm rạ tự phát sau thu hoạch làm phát sinh các khí CO, NO, bụi mịn… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và an toàn của người tham gia giao thông.

Các chuyên gia lĩnh vực môi trường cho rằng, quá trình chăn nuôi, canh tác đã thải ra môi trường những chất thải nguy hại mà không thông qua bất cứ quy trình xử lý nào. Việc làm này đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ đối với hệ sinh thái, mà còn đối với sức khỏe con người.

Ðáng chú ý, tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là ở khu vực nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, chất lượng môi trường đất, nước và các hệ sinh thái bị biến đổi mạnh do suy thoái và ô nhiễm. Chất lượng nước tại các khu vực này có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ như: BOD, COD, ni-tơ, phốt-pho… cao hơn tiêu chuẩn cho phép.

Nguyên nhân là do sự phát triển tự phát, thiếu quy hoạch trong hoạt động sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; ý thức tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình còn thấp; hệ thống văn bản, cơ chế chính sách về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, nhất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở giết mổ, chế biến thủy sản chưa phù hợp, chậm sửa đổi.

Trong khi đó, nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm đến hoạt động quản lý chất thải nhựa, thiếu cơ chế kinh tế khuyến khích người sử dụng chủ động thu gom rác thải nhựa, sử dụng bao bì có thể tái sử dụng nhiều lần, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng công nghệ sản xuất sinh thái.

Phó Vụ trưởng Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Giang Thu cho biết: Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã bước đầu triển khai kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại và tái sử dụng chất thải nhựa.

Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường; đồng thời đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhất là chất thải nhựa trong nông nghiệp; xây dựng bộ dữ liệu chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm quản lý thu gom phân loại chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về chất thải nhựa tới các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân và người dân…

Các chuyên gia môi trường đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát và hoàn thiện các hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng lực ứng cứu và khắc phục sự cố môi trường nông nghiệp, nông thôn ở những điểm nóng, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là công tác thu gom, xử lý rác thải tại các địa phương, xử lý chất thải trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Mặt khác, chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành nông nghiệp; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với lực lượng thanh tra chuyên ngành môi trường trong đấu tranh phòng chống các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích người dân tận dụng triệt để phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng; xây dựng, nhân rộng các giải pháp, mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất…

Nguồn: Báo Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc