Theo Nghị định số 06 của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm thực hiện các biện pháp quản lý và kỹ thuật để giảm 268,5 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030.
Cụ thể mục tiêu trên, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch hành động triển khai các cam kết liên quan đến ngành Công Thương với các nhiệm vụ chính, gồm: Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật có liên quan, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng xây dựng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển xe ô tô điện.
Mục tiêu tổng thể của kế hoạch là nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính cho toàn ngành Công Thương, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải khí nhà kính lớn như các nhà máy nhiệt điện, các cơ sở sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính như thép, hóa chất, giấy, dệt nhuộm…
Cùng với đó, Bộ Công Thương tập trung xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết của Việt Nam về việc chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch và xây dựng đề án thành lập Trung tâm năng lượng tái tạo; giảm dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; đồng thời xây dựng đề án đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển ô tô điện tại Việt Nam.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành Công Thương, thời gian qua Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan, nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm chia sẻ kinh nghiệp, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là sự sẵn sàng tham gia thị trường carbon cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Điển hình là Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Ngân hàng Thế giới tài trợ về sẵn sàng tham gia thị trường carbon thực hiện giai đoạn 2018-2020 (Dự án Partnership for Market Readiness - PMR), Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn về tính toán, kiểm kê phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp ngành thép. Thông qua các hoạt động của dự án, doanh nghiệp, cơ quan quản lý ở địa phương đã nâng cao nhận thức, vai trò và tầm quan trọng của việc kiểm soát phát thải khí nhà kính theo yêu cầu mới của quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu, xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra kết quả giảm phát thải khí nhà kính cho lĩnh vực năng lượng thực hiện năm 2020-2021 đã triển khai các khóa đào tạo chuyên sâu cho các doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện là các cơ sở phát thải khí nhà kính lớn có cơ hội làm quen và thực hành các hướng dẫn mới nhất của quốc tế về chế độ báo cáo, đo đạc và thẩm tra kết quả giảm phát thải khí nhà kính tại cơ sở.
Giai đoạn tới, Bộ Công Thương sẽ xây dựng quy định về kiểm kê, chế độ đo đạc, báo cáo và thẩm tra kết quả giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp về các nội dung có liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận các phương thức quản lý, giải pháp công nghệ để kiểm soát phát thải khí nhà kính, từng bước tuân thủ quy định của pháp luật và quy định của quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT