Giải quyết thách thức từ rác thải sinh hoạt!

Thứ 3, 14/06/2022, 03:00 GMT+7

Để giải quyết thách thức về rác thải sinh hoạt ngày một lớn về khối lượng và phức tạp về thành phần, Bến Tre đang tăng cường nhiều giải pháp thu gom, xử lý, xem việc quản lý rác thải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường.

Rác chưa phân loại, khó xử lý

Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre Trịnh Minh Khôi cho biết: Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh là 1.011,62 tấn/ngày; trong đó, khu vực đô thị phát sinh 300,01 tấn/ngày, chiếm 29,7% và khu vực nông thôn là 711,61 tấn/ngày (70,3%). Nguồn phát sinh rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu từ các hộ gia đình, khu dân cư; các cơ quan, trường học; khu du lịch, khu thương mại, khách sạn, cơ sở lưu trú; cơ sở y tế; khu vực công cộng như chợ, công viên, bến xe,…

Trong đó, lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển đến nhà máy xử lý, bãi chôn lấp rác tập trung khoảng 350 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển tại khu vực đô thị đạt 93% (khoảng 280 tấn/ngày); khu vực nông thôn là 55% bao gồm thu gom, vận chuyển về cơ sở xử lý tập trung là 70 tấn/ngày và hộ gia đình tự thu gom, xử lý là 315 tấn/ngày theo tiêu chí bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

rác thải sinh hoạt Bến Tre

Lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý khoảng 350 tấn/ngày

Tỉnh hiện có 2 nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động, đó là nhà máy xử lý rác thải Bến Tre với công suất 250 tấn/ngày và nhà máy xử lý rác tại huyện Thạnh Phú với công suất 100 tấn/ngày; có 1 dự án đang đầu tư là Nhà máy xử lý rác thải huyện Mỏ Cày Bắc với công suất 20 tấn/ngày; 1 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư là Nhà máy xử lý rác thải tại huyện Bình Đại, công suất thiết kế là 60 tấn/ngày.

Trên địa bàn tỉnh có 7 bãi chôn lấp rác thải tập trung trên địa bàn các huyện với tổng diện tích 11,6 ha. Bao gồm: Bãi rác An Thạnh tại huyện Mỏ Cày Nam (diện tích 2 ha), bãi rác thị trấn Bình Đại 2 ha, bãi rác thị trấn Chợ Lách và Bãi rác Vĩnh Thành 0,8 ha, bãi rác Tân Thanh và Châu Bình 2 ha, bãi rác An Hiệp 4,8 ha. Hiện nay, các bãi chôn lấp này đều quá tải trong việc tiếp nhận, xử lý rác (trừ bãi rác An Hiện và Bãi rác Châu Bình), trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

Trong thời gian qua, công tác quản lý phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn như rác chưa được phân loại tại nguồn; thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển rác không đảm bảo kỹ thuật gây mất vệ sinh; hầu hết các bãi chôn lấp rác đều quá tải, gây ô nhiễm; không còn quỹ đất để tiếp tục quy hoạch chôn lấp rác với lượng rác phát sinh ngày một tăng; kêu gọi đầu tư xã hội hóa xử lý rác thải chưa hiệu quả.

Đầu tư khu liên hiệp xử lý hiện đại

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre Trịnh Minh Khôi, tổng thể lâu dài cho công tác quản lý rác thải là quy hoạch và đầu tư khu liên hợp xử lý rác thải của tỉnh, từng bước đóng cửa các bãi chôn lấp rác tại các huyện. Khu liên hợp xử lý rác thải với quy mô, công suất và công nghệ phù hợp với điều kiện của tỉnh, không gây ô nhiễm môi trường.

“UBND tỉnh đã thống nhất đưa vào Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 2 khu liên hợp xử lý rác cấp tỉnh, gồm khu liên hợp xử lý chất thải rắn khu vực kinh tế biển, với diện tích tối thiểu 20 ha ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri; khu liên hợp xử lý chất thải rắn khu vực trung tâm đô thị, với diện tích 20 ha ở xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị được thu gom, xử lý trên 95,5% và ở nông thôn là 80%, tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn đạt 70%. Đến năm 2030, tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt tại đô thị được thu gom, xử lý trên 98,5% và tại khu vực nông thôn là hơn 90%”, ông Trịnh Minh Khôi chia sẻ.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống các quy định, chính sách về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Xây dựng các mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực thành thị và nông thôn. Thành lập các tổ chức hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, quản lý con người, tài sản, có sự đầu tư mua sắm xe chuyên dụng, xe đẩy thu gom rác để mở rộng địa bàn thu gom, nâng cao tỷ lệ thu gom rác thải.

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch và từng bước triển khai hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn kết hợp với thu hồi năng lượng nhằm tiết kiệm tài nguyên, hạn chế ô nhiễm môi trường. Cải tạo nâng cấp các bãi chôn lắp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh, các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái do chất thải rắn đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời các bãi chôn lấp rác tự phát; từng bước xóa bỏ các bãi rác cấp xã, bãi rác tạm thay vào đó là đầu tư xây dựng trạm trung chuyển rác đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Ngoài ra, huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải nhựa khó phân hủy, hình thành lối sống thân thiện môi trường.

Nguồn: Cổng thông tin Bộ TN&MT

Ý kiến bạn đọc