Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị”. Mục đích buổi tọa đàm nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước về thực trạng, những tồn tại, khó khăn và đề xuất các giải pháp xử lý nước thải sinh hoạt đô thị ở Việt Nam.
Nhà báo Khánh Toàn - Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chủ trì buổi tọa đàm.
Khách mời tham dự gồm: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam; Ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; Ông Nguyễn Văn Hoàn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh; Ông Lương Ngọc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng; Ông Nguyễn Thành Lam - Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường.
Tọa đàm trực tuyến "Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị"
Phát biểu tại tọa đàm, Nhà báo Khánh Toàn - Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chia sẻ, các đô thị tại Việt Nam hiện nay đang phát triển rất nhanh khiến cho việc thoát nước, xử lý nước thải đô thị ngày càng nan giải. Vấn đề đầu tư vào hệ thống kỹ thuật hạ tầng đô thị nói chung và hệ thống cấp thoát nước đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế. Nhiều tỉnh, thành phố quy hoạch hạ tầng không đồng bộ, không theo kịp sự phát triển của đô thị. Cùng với đó là việc thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải, thiếu cơ chế kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhiều hệ thống xử lý công nghệ chưa phù hợp đã dẫn tới tình trạng nước thải sinh hoạt đô thị không được xử lý ngang nhiên xả ra môi trường, đe dọa môi trường sinh thái và trở thành thách thức lớn cho các đô thị ở Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nêu ra 4 nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.
Thứ nhất, do cơ sở hạ tầng về xử lý nước thải đang gặp nhiều khó khăn bất cập, không theo kịp quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá.
Thứ hai, do ý thức trách nhiệm của bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, các tổ chức trên địa bàn đô thị, nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
Thứ ba, do quy hoạch về cấp thoát nước còn nhiều bất cập nên gây nhiều thách thức, khó khăn cho các doanh nghiệp.
Thứ tư, thiếu cơ chế thu hút, khuyến nghị đầu tư, thị trường chưa được khai thác, các điều kiện để nhà đầu tư triển khai kinh doanh có hiệu quả.
Trao đổi về thực trạng xử lý nước thải sinh hoạt hiện nay, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam cho biết: ở các đô thị trên cả nước, khoảng 80% - 90% nước thải bị xả thẳng ra môi trường cho thấy năng lực xử lý nước thải đang rất thấp; các chính sách, chế tài, cơ chế, năng lực quản lý,… đang có vấn đề. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt tại đô thị được xử ở nước ta hiện nay mới chỉ đạt khoảng 13%. Tình trạng này tiếp diễn thì chỉ 20 - 30 năm nữa con cháu chúng ta sẽ không có nước sạch để dùng.
Ảnh: Hệ thống xử lý nước
Theo ông Nguyễn Thành Lam - Chuyên viên chính Vụ Quản lý chất thải, Tổng Cục Môi trường, việc thu gom và xử lý nước thải cần nguồn vốn rất lớn, nhưng trên thực tế nước ta chưa thu hút được đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực này.
Quá trình đô thị hóa không đi kèm với phát triển hạ tầng nên việc thu gom nước thải và xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn. Về vấn đề này, ông Lương Ngọc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng cho biết thêm, hiện nay ở Việt Nam, quá trình đô thị hoá nhanh đòi hỏi vấn đề thu gom xử lý mang tính lâu dài. Tại các đô thị ở Việt Nam đa số là hệ thống xử lý nước thải chung mà theo quy định, cần tách riêng 2 hệ thống song hành.
Bên cạnh đó, việc hình thành các khu công nghiệp diễn ra nhanh nên mật độ xây dựng tăng, đường ống được làm từ lâu nên nhỏ, chưa phù hợp với sự phát triển đô thị, dẫn đến không đủ nhu cầu. Do vậy, việc nâng cấp mở rộng xây dựng gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do không có kinh phí, chỉ có từ nguồn ngân sách nhà nước, ODA, khó khăn trong quá trình cấp vốn…
Khẳng định việc thu gom nước thải và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện rất tốt, ông Nguyễn Văn Hoàn- Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh chia sẻ bài học kinh nghiệm là phải luôn quan tâm vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường nói chung và xử lý nước thải nói riêng.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng, hiện nay, nhiều cơ chế, chính sách, quy định và hướng dẫn quản lý, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đã được hoàn thiện và ban hành, bám sát các nghị quyết của Đảng về bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, để đảm bảo hạ tầng xử lý nước thải đòi hỏi đầu tư vô cùng lớn, theo tính toán sơ bộ tối thiểu cần 20 tỉ USD. Do đó, cần rà soát lại từ bước cơ chế chính sách, đến nguồn nước, công nghệ.
Về công nghệ, từ trước đến nay chúng ta vay vốn ODA nên chấp nhận công nghệ nước ngoài. Tương lai nếu chủ động được nguồn tài chính thì sẽ có nguồn lực về công nghệ trong nước. Tuy vậy, cần tùy thuộc vào từng vùng, địa phương mà áp dụng công nghệ phù hơp.
Về huy động nguồn lực, cần xem lại hệ thống cơ chế chính sách hiện hành để khơi thông nguồn lực quốc gia, phát triển hợp tác quốc tế. Cần chuyển đổi không sử dụng hoạt động công ích, kêu gọi đầu tư tư nhân, cổ phần hóa công ty cấp nước; chính sách phải thay đổi theo hướng xã hội hoá, trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền và làm sao để công tác này có nguồn thu.
Được biết, hiện nay, Bộ Xây dựng đang bắt đầu triển khai sửa đổi các quy chuẩn hạ tầng kỹ thuật, đầu tư triển khai lĩnh vực thoát nước; đề xuất sửa đổi các nghị định về hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước, cây xanh, trình Chính phủ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng; đề xuất dự án Luật Cấp thoát nước trình Quốc hội thông qua năm 2023 - 2024…
Nguồn: Đảng cộng sản Việt Nam