Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành da giày

Thứ 3, 01/04/2025, 09:26 GMT+7

Theo Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (tại Quyết định số 1643/QĐ-TTg, ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ), đến năm 2035, ngành Dệt may và Da giầy phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ngành da giày là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp lớn vào nền kinh tế Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt hàng chục tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, ngành này cũng đang đối mặt với những cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt từ các nước có chi phí sản xuất thấp hơn và công nghệ tiên tiến hơn. 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến tính bền vững của sản phẩm, yêu cầu các thương hiệu phải minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu và tác động môi trường. Điều này đặt áp lực lên các doanh nghiệp da giày trong nước, đòi hỏi ngành da giày Việt Nam phải đổi mới, tối ưu hóa quy trình sản xuất và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, cải thiện quy trình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường. 

Để đạt được mục tiêu này, việc tái sử dụng và tái chế nguyên vật liệu đóng vai trò then chốt. Các doanh nghiệp có thể tận dụng phế liệu da, cao su, nhựa để sản xuất các sản phẩm mới hoặc sử dụng các vật liệu tái chế thay thế cho nguyên liệu thô trong quá trình sản xuất. Việc chuyển đổi sang các nguyên liệu bền vững cũng là xu hướng tất yếu. Sử dụng da nhân tạo hoặc da tái chế không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào da động vật mà còn hạn chế các tác động tiêu cực từ quá trình thuộc da truyền thống. Công nghệ thuộc da không sử dụng hóa chất độc hại hay áp dụng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, dễ phân hủy sinh học, là những giải pháp đáng được khuyến khích.

Dệt may đang từng bước thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu (Ảnh: kinh tế đô thị)

Cải tiến quy trình sản xuất là một yếu tố quan trọng khác trong mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc đổi mới công nghệ giúp giảm thiểu khí thải, nước thải và tiết kiệm năng lượng. Các doanh nghiệp trong ngành có thể ứng dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, tối ưu hóa hệ thống sản xuất để tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên, đồng thời sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, gió để giảm thiểu tác động môi trường. Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình thu gom và tái chế sản phẩm sau sử dụng cũng mang lại hiệu quả lớn. Các doanh nghiệp có thể hợp tác với các tổ chức môi trường để triển khai chương trình thu gom giày dép cũ, tái chế hoặc tái sử dụng nhằm giảm lượng rác thải sinh hoạt và khai thác lại nguồn nguyên liệu từ sản phẩm lỗi hoặc đã qua sử dụng.

Ngoài ra, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành da giày. Các quy định khuyến khích doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất tuần hoàn, hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tái chế và sản xuất bền vững, cũng như xây dựng các chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) về vật liệu thân thiện với môi trường là những bước đi cần thiết. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng. Thông qua các hội thảo, chương trình đào tạo về sản xuất bền vững sẽ giúp nâng cao kiến thức, trong khi các chiến lược truyền thông hiệu quả có thể khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành da giày đã thành công trong việc áp dụng mô hình sản xuất bền vững. Trên thế giới, công ty ECCO đã triển khai quy trình thuộc da bằng công nghệ DriTan, giúp tiết kiệm lượng nước đáng kể và giảm thiểu hóa chất độc hại. Nike với chương trình "Move to Zero" cũng đang hướng đến việc sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong sản xuất và giảm lượng khí thải carbon. Adidas đã ra mắt dòng sản phẩm "Futurecraft Loop", một loại giày thể thao có thể tái chế hoàn toàn. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp như Biti’s cũng đã bắt đầu nghiên cứu và áp dụng các vật liệu tái chế để sản xuất giày dép, góp phần bảo vệ môi trường. Những sáng kiến này cho thấy rằng ngành da giày có tiềm năng lớn để chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn, vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa bảo vệ hệ sinh thái.

Công ty May Hưng Yên đang nỗ lực phát triển kinh tế tuần hoàn

Tại công ty May Hưng Yên đã chuyển đổi toàn bộ lò hơi đốt than sang lò hơi điện, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện sức khỏe cho người lao động. Về mặt kinh tế, dù chi phí điện có thể tăng, doanh nghiệp lại tiết kiệm được khoản đáng kể từ việc cắt giảm nhân công vận hành hệ thống lò hơi cũ. Xét trên quy mô toàn hệ thống 13 đơn vị trực thuộc, lợi ích kinh tế từ việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới là rất đáng kể. Trước đó, doanh nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động hướng đến phát triển bền vững và sản xuất xanh. Chẳng hạn, vải vụn được thu gom để may chăn gửi tặng các vùng cao hoặc tái chế thành các sản phẩm hữu ích khác. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tận dụng vải vụn để sản xuất mút phục vụ ngành may mặc.

Kinh tế tuần hoàn không chỉ là một yêu cầu mà còn là động lực giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, duy trì kênh bán hàng truyền thống đồng thời mở rộng sang hình thức trực tuyến, giúp kết nối dễ dàng với các nhà mua hàng trên toàn cầu” – ông Nguyễn Xuân Dương, đại diện doanh nghiệp, chia sẻ.

Kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu để phát triển ngành da giày theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tối ưu hóa nguồn lực. Để đạt được điều này, cần có sự chung tay của các doanh nghiệp, chính phủ và người tiêu dùng trong việc áp dụng các giải pháp đổi mới và bền vững, giúp ngành da giày Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Nguồn: Theo Sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến tương lai xanh, “Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành da giày” đăng ngày 01/04/2025, xem tại link: https://scp.gov.vn/tin-tuc/t24125/giai-phap-thuc-day-kinh-te-tuan-hoan-trong-nganh-da-giay, truy cập ngày 01/04/2025.

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc