Giải pháp bao bì bền vững - Mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam!

Thứ 4, 09/08/2023, 10:39 GMT+7

 Ngày 11/4/2023, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Bộ TN&MT phối hợp Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) và Công ty TNHH Lon nước giải khát TBC-Ball Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp bao bì bền vững - Mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn”. Với tinh thần chủ động tìm kiếm giải pháp gắn với thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường, Hội thảo là cơ hội để các đơn vị liên quan trong ngành đồ uống chia sẻ, thảo luận các kết quả nghiên cứu về bao bì bền vững.

Bao bì bền vững có nghĩa là bao bì có lượng khí thải các bon thấp do quy trình sản xuất; bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng, bao bì phân hủy sinh học… Trong thời gian gần đây, việc sử dụng bao bì giảm thiểu tác động đến môi trường hiện đang trở thành ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng. Đây là cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp trong ngành đồ uống.

Giải pháp bao bì bền vững

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch VBA phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết, Luật BVMT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 có nhiều điểm mới, trong đó bao gồm nhiều quy định góp phần thay đổi công nghệ, hành vi, thói quen trong tất cả các khía cạnh của hoạt động kinh tế - xã hội, theo hướng phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp trong ngành đồ uống đã và đang triển khai nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của kinh tế tuần hoàn. Báo cáo năm 2023 của Ngân hàng Thế giới chỉ ra, Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế riêng rác thải nhựa từ sinh hoạt và hơn 30 tỷ USB/năm đối với chất thải hữu cơ, khi gần 70% không được tái chế... Việc tận dụng được nguồn rác thải này chắc chắn đem lại lợi ích cho các bên và ngành đồ uống sẽ có lợi ích khi áp dụng kinh tế tuần hoàn với các sản phẩm tiềm năng như bã hèm, men thải, các loại bao bì, thùng rác...

Giải pháp bao bì bền vững

Ông Mai Thanh Dung, Phó viện trưởng ISPONRE phát biểu

Ông Mai Thanh Dung, Phó viện trưởng ISPONRE khẳng định, kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp ưu tiên, quan trọng được nêu ra trong các định hướng chính sách ở Việt Nam. Các doanh nghiệp trong ngành đồ uống có thể áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn thiết kế, lựa chọn vật liệu, thiết kế các sản phẩm, thiết kế quy trình phân phối, tiêu thụ và thu hồi để đảm bảo hạn chế tối đa sử dụng nguyên liệu, vật liệu thô, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế phát sinh chất thải và tác động xấu đến môi trường”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã lắng nghe một số tham luận về: Khung chính sách về kinh tế tuần hoàn và hướng tiếp cận cho lĩnh vực đồ uống ở Việt Nam; Giới thiệu nghiên cứu về giải pháp bao bì bền vững tại Việt Nam; Đánh giá vòng đời (LCA) của các loại bao bì nước giải khát tại Việt Nam…

Ông Souvik Bhattacharjya, Phó Giám đốc Viện Năng lượng và Tài nguyên Ấn Độ, trưởng nhóm nghiên cứu về Giải pháp bao bì bền vững tại Việt Nam cho biết, kết quả nghiên cứu cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn về các lựa chọn bao bì đồ uống và ý nghĩa bền vững của chúng, giúp các bên liên quan trong chuỗi sản xuất đưa ra những lựa chọn đúng đắn, giảm tác động đến môi trường và hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn.

Giải pháp bao bì bền vững

Toàn cảnh Hội thảo

Theo Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, trung bình mỗi năm có khoảng 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn được thải ra. 

Theo báo cáo năm 2023 của Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế riêng rác thải nhựa từ sinh hoạt và hơn 30 tỷ USD mỗi năm đối với chất thải hữu cơ khi gần 70% không được tái chế... Việc tận dụng được nguồn rác thải này chắc chắn đem lại lợi ích cho các bên.

Ngành đồ uống sẽ có lợi ích khi áp dụng kinh tế tuần hoàn với các sản phẩm tiềm năng như bã hèm, men thải, các loại bao bì, pallet nhựa, thùng rác.

Nguồn: Tạp Chí Môi Trường (Vem) - Viện Chiến Lược, Chính Sách Tài Nguyên Và Môi Trường - Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường

Ý kiến bạn đọc