Phát triển bền vững đang được xem là xu thế tất yếu và là trọng tâm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia và doanh nghiệp. Trong đó, việc thực hành bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng, dần trở thành hoạt động quan trọng của doanh nghiệp nhằm hướng đến sự tăng trưởng bền vững, đóng góp tích cực cho môi trường, nền kinh tế và xã hội.
Cũng như doanh nghiệp ở các quốc gia khác việc xây dựng chiến lược và thực hành ESG cũng như thực hiện báo cáo bền vững theo mô hình ESG đã được nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp thực hiện các hoạt động giao thương quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu triển khai trong những năm gần đây.
Thực tế cho thấy, sản xuất xi măng là lĩnh vực tác động lớn nhất trong việc bảo vệ môi trường đối với ngành Vật liệu xây dựng. Và rào cản mà doanh nghiệp khó thực hành ESG đó là thiếu tư duy phát triển bền vững từ đầu và điều đó thể hiện qua cung - cầu của ngành Xi măng. Việt Nam chưa có lộ trình cụ thể là doanh nghiệp nào sẽ cần có báo cáo ESG để hướng đến phát triển bền vững một cách bài bản.
Các sản phẩm của Fico-YTL luôn hướng tới giá trị bền vững.
Là một trong những doanh nghiệp vật liệu xây dựng tiên phong thực hành ESG, Công ty CP Xi măng Fico Tây Ninh (Fico-YTL) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc điều hành Fico-YTL cho biết, các sản phẩm của Fico-YTL đều đạt các thứ hạng cao nhất về "nhãn Xanh" của Hội đồng Công trình xanh Singapore.
Thực hành ESG là con đường tất yếu phải đi cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt cho ngành Xi măng Việt Nam. Đây là những khoản đầu tư cho tương lai của doanh nghiệp, là mình tự cứu mình để thích ứng với luật chơi “xanh” toàn cầu. Do vậy, Fico-YTL đã triển khai hàng loạt dự án cải tiến hoạt động nhằm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng tỉ lệ sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế CO2. Đồng thời, đầu tư vào các sáng kiến tháo gỡ nút thắt, nâng cấp thiết bị và cải tiến quy trình nhằm giảm mức tiêu thụ nhiệt trong sản xuất clinker.
Nhờ đó, tỷ lệ clinker trong xi măng Fico-YTL sản xuất trong năm tài chính 2023 là 55.6% thấp hơn so với mục tiêu 65% trong Quyết định 1266/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Đáng chú ý, cũng trong năm 2023, có 246.000 tấn chất thải công nghiệp (tro bay và xỉ) đã được sử dụng như nguyên liệu thay thế trong sản xuất xi măng. Ngoài ra, mức phát thải CO2 trung bình trên tấn sản phẩm xi măng của Fico-YTL cũng giảm còn 490 kg CO2/tấn vật liệu xi măng.
Ông Nguyễn Công Bảo chia sẻ, việc thực thi bộ tiêu chuẩn ESG giúp doanh nghiệp phát triển vững vàng. Khi thực thi tốt ESG, doanh nghiệp sẽ giữ chân và thu hút được nhân tài. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được chính quyền đánh giá giao khi có chiến lược phát triển bền vững.
Theo đó, Công ty CP Xi măng Fico Tây Ninh cũng vừa công bố bản báo cáo bền vững đầu tiên của doanh nghiệp. Đây là năm đầu tiên Fico-YTL ứng dụng mô hình ESG để thực hiện báo cáo nhằm cung cấp thông tin cập nhật về các hoạt động bền vững của Fico-YTL và cái nhìn chi tiết về hiệu quả của doanh nghiệp theo cấu trúc bốn trụ cột của chiến lược bền vững. Với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Fico-YTL sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động bền vững của doanh nghiệp.
Nguồn: Ximang.vn