EPR thúc đẩy giảm rác thải nhựa

Thứ 5, 06/06/2024, 03:55 GMT+7

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) là một điểm mới tiến bộ của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ngoài mục tiêu tăng cường tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu chất thải, EPR sẽ tác động thay đổi thói quen của nhà sản xuất và người tiêu dùng, mở rộng khả năng sử dụng nguyên nhiên vật liệu thân thiện với môi trường, giảm rác thải nhựa, tiến đến kinh tế tuần hoàn.

Gần 20 năm để thay “tấm áo mới” cho EPR

Nếu xét về tính lịch sự, khái niệm trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) xuất hiện khá gần với thời gian ra đời khái niệm kinh tế tuần hoàn trên thế giới. Cả hai khái niệm này đều hướng đến nền sản xuất phục hồi hoặc tái tạo, ưu tiên sử dụng năng lượng, nguyên liệu thân thiện với môi trường, giảm phát thải.

Theo Chương trình môi trường Liên hiệp quốc đưa ra trong Công ước quốc tế về kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng (BASEL), EPR là cách tiếp cận chính sách môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. Ở các nước Châu Âu, EPR được triển khai từ những năm 1990, sau 3 thập kỷ, EPR hiện đang được áp dụng tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Không tách mình ra khỏi xu hướng chung, Việt Nam tiếp cận EPR khá sớm. Từ Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, quy định EPR được ghi nhận với chính sách thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Chính sách này tiếp tục được làm rõ tại Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg ngày 9/8/20213 của Thủ tướng Chính phủ; Luật Bảo vệ môi trường 2014; Quyết định 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

EPR cần “đi cùng” phân loại rác tại nguồn và nền tái chế hiện đại.

Tuy nhiên, theo ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, do chưa quy định rõ trách nhiệm bắt buộc của nhà sản xuất trong việc đóng góp kinh phí để thu hồi, xử lý sản phẩm sau sử dụng; chưa đặt ra tỷ lệ thu hồi, xử lý và chưa có cơ chế thực hiện nên suốt 15 năm, quy định EPR chưa được triển khai hiệu quả. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện quy định này với tâm lí đối phó.

Trước thực trạng này, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã điều chỉnh, bổ sung và quy định cụ thể hơn về EPR tại hai Điều 54 và 55. Trong đó, Điều 54 quy định Trách nhiệm tái chế chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Điều 55 quy định Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.

Các điều khoản này được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NĐ-TTg. Tại đây, các quy định về đối tượng, lộ trình thực hiện, tỉ lệ tái chế, quy chế tái chế bắt buộc, các hình thức thực hiện, đăng ký kế hoạch và báo cáo kết quả tái chế, đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam; đối tượng và mức đóng góp tài chính, trình tự thực hiện, thực hiện hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải…đều được làm rõ.

Thay đổi thói quen của nhà sản xuất và lối sống của người tiêu dùng

Thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải, nhà sản xuất, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật (có bao bì), pin sử dụng một lần, tã bỉm, kẹo cao su, thuốc lá và một số sản phẩm có thành phần nhựa tổng hợp phải có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Đối với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt, điện tử, phương tiện giao thông và các sản phẩm có bao bì sẽ có lộ trình thực hiện từ đầu năm 2024, 2025, 2027. Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện tái chế thì phải đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế.

Khi so sánh với các nước trên thế giới, quy định EPR ở Việt Nam có tính đa dạng trong hình thức thực hiện, nhất là ở trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì. Để phù hợp với nền kinh tế hiện tại, Nghị định số 08/2022/NĐ-TTg đưa ra nhiều hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế cho doanh nghiệp lựa chọn. Theo đó, doanh nghiệp có thể tự mình tái chế, thuê đơn vị tái chế, ủy quyền cho tổ chức trung gian để tổ chức thực hiện tái chế hoặc đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế.

Đứng trước lo ngại, tại thời điểm hiện tại, phần lớn doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức đóng tiền, ảnh hưởng đến mục tiêu tái chế sản phẩm, bao bì, giảm rác thải nhựa, nhiều chuyên gia cho rằng, thông thường, các doanh nghiệp chỉ lựa chọn đóng tiền đối với nhóm sản phẩm bao bì mà ít được thu gom, tái chế chính thức tại Việt Nam. Đối với các sản phẩm, bao bì đang được tái chế một cách có hiệu quả tại Việt Nam thì nhà sản xuất sẽ lựa chọn tự mình tái tổ chức tái chế bởi phương án này có lợi hơn về mặt kinh tế. Đơn cử như hiện nay, các nhà sản xuất trong Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO) đang tự thuê các đơn vị tái chế với chi phí thấp hơn rất nhiều khi đóng tiền. Và xu hướng này sẽ ngày càng tăng khi ngành tái chế của chúng ta phát triển.

Hơn nữa, EPR không chỉ có mục tiêu là hình thành nguồn lực để làm sạch môi trường thông qua việc thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ mà EPR còn có mục tiêu cao hơn đó là tác động đến thói quen sản xuất, tiêu dùng, buộc các nhà sản xuất phải thay đổi thiết kế đối với sản phẩm để sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, kéo dài vòng đời sản phẩm, dễ thu gom, dễ tái sử dụng, dễ tái chế…

Ông Phan Tuấn Hùng khẳng định, nếu thực hiện đúng, đầy đủ và đáp ứng theo các yêu cầu, chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo sự khép kín, tuần hoàn tài nguyên giữa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất thải sinh ra trong các hoạt động sản xuất. EPR là một giải pháp hiệu quả và rõ ràng nhất giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay và đặt nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để EPR đạt hiệu quả như mong muốn, để sống xanh” trở thành một lối sống trong tương lai của người Việt, bên cạnh việc quyết liệt triển khai trách nhiệm thu gom, tái chế của doanh nghiệp, chúng ta cần triển khai hiệu quả việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt bởi các sản phẩm, bao bì thuộc diện phải thu gom, tái chế. Đồng thời,  cần khuyến khích, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thu gom, tái chế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước triển khai EPR, kinh tế tuần hoàn thành công đều triển khai việc phân loại chất thải rắn tại nguồn hiệu quả, nhiều nước thực hiện trước khi triển khai EPR rất lâu như Hàn Quốc (khoảng 20 năm).

Nguồn: Theo Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT, “EPR thúc đẩy giảm rác thải nhựa” đăng ngày 22/06/2023, xem tại link: https://monre.gov.vn/Pages/epr-thuc-day-giam-rac-thai-nhua.aspx, truy cập ngày 06/06/2024.

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc