Đồng Nai: Trao giải cuộc thi Mô hình, ý tưởng sáng tạo xanh năm 2022!

Thứ 3, 27/12/2022, 02:20 GMT+7

Theo Ban tổ chức, cuộc thi năm nay nhận được 66 mô hình, ý tưởng liên quan đến các chủ đề phát triển nông nghiệp sạch, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải… Phần lớn ý tưởng có tính ứng dụng cao, trong đó có những mô hình đã ứng dụng vào thực tế và cho thấy hiệu quả.

Bộ lọc không khí, thiết bị đa năng dùng trong nông nghiệp, nước rửa chén từ lá cây, bộ dụng cụ tự nhắc phân loại rác, vườn rau ống tre... là những mô hình mới được chọn trao giải tại cuộc thi Mô hình, ý tưởng sáng tạo xanh năm 2022. Theo đánh giá Ban tổ chức, đây đều là mô hình có tính ứng dụng cao, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Môi trường hiện là mối lo chung của nhân loại, không riêng các nhà khoa học, cá nhân, tổ chức nào. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều bạn trẻ quan tâm, hành động, đóng góp ý tưởng cho công tác bảo vệ môi trường.

ý tưởng sáng tạo xanh

Vườn rau ống tre của sinh viên Trường đại học Công nghệ miền Đông (MIT). Nguồn: baodongnai

Cuộc thi Mô hình, ý tưởng sáng tạo xanh là hình thức tìm kiếm, hỗ trợ các ý tưởng được phổ biến trong cộng đồng. Trong cuộc sống có nhiều mô hình, ý tưởng hữu ích với môi trường, thiên nhiên được áp dụng thành công. Tuy nhiên, nếu được phổ biến, nhân rộng thì tính hiệu quả của mô hình sẽ được nhân lên nhiều lần, thậm chí làm thay đổi cả vấn đề. Sự ghi nhận của xã hội đối với đóng góp đó là động lực khuyến khích cá nhân, tổ chức tiếp tục hiến kế cho bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Từng có các sáng kiến kinh nghiệm được nhiều thầy cô và học sinh thích thú, mới đây, thầy giáo Phan Đức Thành (Trường THCS Lý Tự Trọng, xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ) chế tạo bộ thùng rác tự nhắc phân loại rác và rửa tay, sản phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Mô hình, ý tưởng sáng tạo xanh năm 2022. Thầy giáo Thành chia sẻ, từ quan sát thấy việc đổ rác hằng ngày của các em học sinh ở trường đa số không phân loại, không rửa tay ngay nên thầy có ý tưởng làm sản phẩm giúp cảm em thấy hứng thú khi làm việc này. Bộ sản phẩm gồm khung thép được chia làm 4 ngăn, 3 ngăn chứa 3 thùng rác (nguy hại, hữu cơ, vô cơ) và 1 ngăn để chứa hộp xử lý điều khiển và chậu rửa tay tự động. Sản phẩm sử dụng pin năng lượng mặt trời và được lắp các cảm biến có người đến gần thùng rác sẽ tự mở và đóng nắp, có âm thanh nhắc nhở phân loại rác, nhắc rửa tay. Kết thúc các thao tác là những lời cảm ơn thú vị.

Nhận thấy việc kiểm soát nước tưới, độ ẩm trong trồng trọt là việc làm khó khăn với nhiều nông dân, nhóm cô trò Trường THCS Thạnh Phú (xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) chế tạo Hệ thống điều khiển và giám sát sử dụng IoT trong nông nghiệp sạch 4.0.

Ngoài các sản phẩm kể trên, còn nhiều mô hình, ý tưởng xanh đến từ các cá nhân, nhóm như: Xe đẩy giúp người già, người bị tai biến có thể di chuyển được làm từ các thiết bị của xe đạp hư không còn sử dụng của cô giáo Trần Thị Quỳnh Như (Trường THCS Tân An, xã Tân An, H.Vĩnh Cửu); bộ thiết bị đa năng vừa làm cỏ, gieo hạt, vừa vận chuyển nông sản của thầy giáo Trần Văn Hiếu (Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ)…

Nguồn: Môi trường và Đô Thị

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc