Doanh nghiệp đa quốc gia và tổ chức phi chính phủ ủng hộ Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa

Thứ 7, 01/10/2022, 02:55 GMT+7

Ngày 21 tháng 9 năm 2022, tại New York, Mỹ, các doanh nghiệp toàn cầu trong chuỗi cung ứng nhựa, các tổ chức tài chính và các tổ chức phi chính phủ (NGO), đã họp để chia sẻ một tầm nhìn chung liên quan đến Hiệp ước toàn cầu nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa - một hiệp ước hiệu quả và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ. Trên cơ sở tầm nhìn này, nội dung thảo luận chính sách sắp tới với các Chính phủ sẽ được thực hiện thông qua Mạng lưới doanh nghiệp vì một Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa do Quỹ Ellen MacArthur và WWF khởi xướng.

Đã có 84 tổ chức, bao gồm các doanh nghiệp đa quốc gia, tổ chức tài chính và tổ chức phi chính phủ (NGO), tham gia nhóm họp nhằm tiếp nối các hoạt động đã được thực hiện để tăng thêm sức mạnh cho tiếng nói của doanh nghiệp trong quá trình đàm phán giữa các chính phủ. Các tổ chức cho rằng, Hiệp ước toàn cầu chính là cơ hội quan trọng nhất để đẩy nhanh tiến trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn - nơi nhựa không còn là rác thải hay là nguồn gây ô nhiễm, mà giá trị từ các sản phẩm và vật liệu nhựa sẽ được bảo toàn trong nền kinh tế. Quá trình đàm phán hiệp ước dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024, với mục tiêu thống nhất một lộ trình để chấm dứt cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa cho các thế hệ mai sau.

 “Chúng ta không thể phí phạm thêm thời gian. Việc cần làm nhất bây giờ là sự phối hợp hành động trên toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Mạng lưới doanh nghiệp vì một Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ đẩy nhanh tiến trình buộc thế giới phải từ bỏ cách tư duy kinh doanh như thường lệ (business-as-usual) và mở ra kỷ nguyên mới với hy vọng cuối cùng chúng ta cũng có thể thực hiện được mục tiêu chấm dứt ô nhiễm nhựa”, bà Erin Simon, Phó Chủ tịch kiêm Lãnh đạo phụ trách về Rác thải Nhựa và Doanh nghiệp, WWF-Mỹ, cho biết.

Trước cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ (INC) - dự kiến diễn ra cuối tháng 11 năm nay, các tổ chức đồng lòng tham gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần đạt được các mục tiêu, quy tắc và nghĩa vụ mà các quốc gia thành viên phải thực hiện trong phạm vi của mình. Đối với doanh nhiệp và nhà đầu tư, hiệp ước cũng sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng và ngăn chặn việc sử dụng các giải pháp chắp vá, rời rạc.

Để thể hiện rõ ràng quan điểm trước ngày diễn ra đàm phán, các tổ chức tham gia đã cùng đồng ý rằng, hiệp ước phải thúc đẩy tiến trình thực hiện các mục tiêu chính bao gồm giảm thiểu việc sản xuất và sử dụng nhựa, dựa theo hướng tiếp cận kinh tế tuần hoàn, tăng cường tuần hoàn các sản phẩm nhựa cần thiết cũng như ngăn ngừa và khắc phục việc thất thoát rác nhựa có kích thước lớn và các hạt vi nhựa khó xử lý ra môi trường. Danh sách các tổ chức ủng hộ tầm nhìn trên cho thấy sự nhất trí cao của nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nhựa và các tổ chức hỗ trợ đối với việc cần định ra một hệ thống chính sách toàn diện và thống nhất, giúp hiện thực hóa mục tiêu toàn cầu và có thể thích ứng với điều kiện của địa phương.

Quỹ Ellen MacArthur và WWF sẽ liên kết các tổ chức có cùng tầm nhìn để xây dựng các khuyến nghị về chính sách, thảo luận với các đại diện đàm phán hiệp ước, giúp củng cố sự tin tưởng vào lợi ích và tầm quan trọng của Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa trong cộng đồng doanh nghiệp.

ô nhiễm nhựa

Rác nhựa đang bủa vây con người và đại dương

“Nhiều doanh nghiệp và quốc gia đã và đang triển khai các giải pháp để giải quyết ô nhiễm nhựa. Nhưng tác động của các hành động đơn lẻ này không đạt được mức mà thế giới đang rất cần để chấm dứt cuộc khủng hoảng ô nhiễm trắng hiện nay. Cần có một Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa đủ tầm. Hôm nay, chúng tôi, cùng với WWF, chính thức tuyên bố kế hoạch thành lập Mạng lưới doanh nghiệp vì một Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Chúng tôi kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nhựa để cùng xây dựng một hiệp ước toàn cầu hiệu quả với nhiều tham vọng nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn mà trong đó giá trị của các sản phẩm và vật liệu trong toàn chuỗi cung ứng sẽ không bị thất thoát. Sẽ không còn bất cứ cơ hội nào để nhựa có thể bị thất thoát và trở thành rác thải hay nguồn gây ô nhiễm”. Ông Rob Opsomer, Trưởng nhóm Sáng kiến Hệ thống, Quỹ Ellen MacArthur cho biết.

Các tổ chức ủng hộ tầm nhìn chung của Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa đã cam kết cùng hợp tác chặt chẽ với các chính phủ để nâng cao các tham vọng đối với hiệp ước trong quá trình đàm phán, và đang kêu gọi nhiều doanh nghiệp hơn từ khắp chuỗi cung ứng nhựa cùng tham gia phát triển Mạng lưới doanh nghiệp vì Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa. Cùng nhau, chúng ta có thể lan toả thông điệp về sự cấp bách cần có một hiệp ước hiệu quả và ràng buộc về mặt pháp lý, với mục tiêu chấm dứt cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu.

Về phía Việt Nam, chúng ta đã sớm tham gia đàm phán liên Chính phủ về giảm nhựa toàn cầu, tiến tới một công cụ ràng buộc pháp lý về giảm nhựa; đồng thời chủ động tham gia giảm rác thải nhựa đại dương bằng Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Triển khai quyết định này, hiện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ TN&MT phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1407/QĐ-TTg về Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận.

Để chuẩn bị cho viêc tham dự Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) về chấm dứt ô nhiễm nhựa sẽ diễn ra tại thành phố Puntadel Este, Uruguay từ ngày 28/11/2022 đến ngày 2/12/2022, cùng với diễn đàn của các bên liên quan dự kiến diễn ra ngày 26/11/2022, các cuộc tham vấn khu vực và các văn phòng sẽ được tổ chức vào ngày 27/11/2022, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã phối hợp Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tham mưu Lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo một số nội dung cụ thể như sau: Giao Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì, phối hợp với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và các đơn vị có liên quan đề xuất Lãnh đạo Bộ về việc thành lập đoàn đàm phán, phân công nhiệm vụ cụ thể triển khai thực hiện các bước chuẩn bị, tham gia vào Ủy ban đàm phán liên Chính phủ (INC) nhằm tiến hành đàm phán, xây dựng Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế( ILBI) về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển theo yêu cầu Nghị quyết số 5/14 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEA).

 Bộ TN&MT giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu phê duyệt kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương; tổng hợp và đánh giá các kết quả thực hiện của các đơn vị liên quan và định kỳ báo cáo Lãnh đạo Bộ. Đồng thời, là đơn vị đầu mối, tham mưu tổ chức triển khai thực hiện các bước chuẩn bị, tham dự các cuộc họp của INC nhằm tiến hành đàm phán, xây dựng ILBI về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển theo yêu cầu Nghị quyết số 5/14 của UNEA.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT

Ý kiến bạn đọc