Diễn đàn "Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường": Kinh tế xanh và trách nhiệm của nhà sản xuất EPR

Thứ 6, 28/06/2024, 03:10 GMT+7

Sáng 27/6, tại Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII – 2024 với chủ đề “Kinh tế Xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất”

Tham dự Diễn đàn có các đồng chí: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Quế Đình Nguyên; lãnh đạo Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương); Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an; Cục Truyền thông Công an Nhân dân - Bộ Công an; đại diện Hội Nhà báo Việt Nam; lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chiến lược và tư vấn chính sách cùng 200 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, lãnh đạo các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý của một số tỉnh/thành trong cả nước.

EPR

Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII – 2024

Kinh tế xanh (Green economy) là nền kinh tế ít phát thải carbon, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Trên nền tảng này, nền kinh tế xanh đặt ra khuôn khổ lồng ghép các hoạt động kinh tế với vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam khẳng định mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ đã đặt mục tiêu: Cường độ phát thải trên GDP vào năm 2030 giảm ít nhất 15% so với năm 2014, và ít giảm ít nhất 30% đến năm 2050. Tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95% đến năm 2030. Tỉ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chia sẻ: Thời gian gần đây, sự hiểu biết của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng cao rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh xanh là chiến lược và là lợi thế cạnh tranh. Nhiều tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp lớn cũng đã nhanh chóng vào cuộc, đẩy mạnh chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp, hướng tới mục tiêu Net Zero

Tuy nhiên, sự thay đổi này chủ yếu diễn ra chủ yếu ở khối các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đó số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm khá nhiều nhưng chưa quan tâm thích đáng và chưa có chuyển biến rõ nét. Do vậy, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, đặc biệt nâng cao hiểu biết, nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nắm bắt các quy định liên quan của cả trong nước và quốc tế.

Từ thực tiễn đó cho thấy, chúng ta cần phải có quyết sách đủ mạnh để cụ thể hóa quan điểm “đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”; đồng thời huy động được nguồn lực xã hội hóa và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Theo đó, sẽ đề xuất hệ thống quan điểm mới, tư duy mới đáp ứng bối cảnh tầm nhìn đến 2050. Quan điểm xuyên suốt là Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt, doanh nghiệp và người dân là trung tâm và chủ thể thực hiện, cùng với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và môi trường” do Báo Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức đã trở thành sự kiện thường niên và là địa chỉ để các bên liên quan cùng chia sẻ, trao đổi về các lĩnh vực quan trọng, vấn đề “nóng” của ngành tài nguyên môi trường.

Qua mỗi kỳ tổ chức, Diễn đàn ngày càng nhận được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng của nhiều nhà quản lý ở cả Trung ương và địa phương, lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

“Tại Diễn đàn hôm nay, tất cả các ý kiến đóng góp, gợi ý của quý vị đại biểu sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu để phục vụ nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường. Mục tiêu chung nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh và đề nghị mỗi đại biểu sẽ là đại sứ lan tỏa và truyền tải hiệu quả thông điệp chuyển đổi, phát triển xanh, sạch, bền vững.

Nối tiếp thành công của các Diễn đàn trước, Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ VIII – 2024 với Chủ đề “Kinh tế xanh - Trách nhiệm của nhà sản xuất” sẽ tập trung vào các vấn đề về phát triển xanh của doanh nghiệp: Trách nhiệm và vướng mắc đang cản trở doanh nghiệp thực hành phát triển bền vững; Thảo luận những hành lang cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xanh, cũng như vai trò của báo chí truyền thông trong việc đồng hành, tuyên truyền và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế cả về chính sách và hoạt động của các doanh nghiệp.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu có 02 trách nhiệm: (1) Trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (Điều 54) và (2) Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải (Điều 55). Theo đó, các ngành kinh tế, sản xuất xanh sẽ từng bước hạn chế phát sinh chất thải lớn, phát triển công nghệ xanh, hệ thống quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường, "Diễn đàn "Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường": Kinh tế xanh và trách nhiệm của nhà sản xuất" đăng ngày 27/06/2024, xem tại link: https://www.monre.gov.vn/Pages/dien-dan-nha-quan-ly---nha-bao---doanh-nghiep-voi-tai-nguyen-va-moi-truong-kinh-te-xanh-va-trach-nhiem-cua-nha-san-xuat.aspx?cm=Tin%20t%E1%BB%A9c%20-%20S%E1%BB%B1%20ki%E1%BB%87n, truy cập ngày 28/06/2024

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc