Diễn đàn “Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam”

Thứ 2, 19/12/2022, 03:02 GMT+7

Ngày 28/10, tại Bình Dương, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp cùng Nhóm nòng cốt đa bên thuộc khuôn khổ Hiệp định VPA FLEGT và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức Diễn đàn “Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam”.

Diễn đàn đã nhận được sự quan tâm sâu sắc và sự tham gia của khoảng 150 đại biểu từ các cơ quan gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ ngành liên quan, Phái đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ quán Đức, các viện nghiên cứu và các trường đại học, các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh Bình Dương và các tỉnh thành liên quan khác (bao gồm các Chi cục Kiểm lâm, các hiệp hội gỗ, doanh nghiệp, chủ rừng, …), các tổ chức thành viên Nhóm nòng cốt Đa bên thuộc khuôn khổ Hiệp định VPA FLEGT và các tổ chức phi chính phủ.

Gỗ hợp pháp và phát triển bền vững

Mục tiêu của Diễn đàn “Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam” nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan trong ngành lâm nghiệp, bao gồm các cơ quan Chính phủ, hiệp hội gỗ, tổ chức phi chính phủ và các đối tác phát triển về chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp. Diễn đàn đã góp phần thúc đẩy các chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam cũng như các đối tác thương mại thông qua tăng cường công tác truyền thông và chia sẻ thông tin về những hoạt động nhằm đạt được mục tiêu chung.  

Phát biểu tại diễn đàn, ông Oemar Idoe, Quản lý các dự án GIZ về môi trường, biến đổi khí hậu và nông nghiệp tại Việt Nam cho hay: Theo kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 tại châu Á và thứ 5 trên thế giới. Những số liệu này thôi thúc chúng ta cần phải nỗ lực tạo ra môi trường thúc đẩy quản trị rừng tốt để việc truy xuất nguồn gốc gỗ và thương mại bền vững trong quá trình triển khai hệ thống trách nhiệm giải trình và tuân thủ các quy định của Việt Nam và quốc tế được thuận lợi. Để đáp ứng được yêu cầu này, cần có đủ nguồn lực để phát triển và duy trì cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tăng cường những năng lực cần thiết. Đưa được nhiệm vụ số hóa vào một trong những dòng ngân sách thường xuyên của quốc gia là hành động then chốt để có thể đảm bảo việc giám sát thương mại gỗ và thực thi pháp luật...

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương, chia sẻ: “Là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xuất khẩu đồ gỗ, tầm nhìn của Bình Dương là phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng bền vững, hiệu quả, hiện đại”. Ông cho biết thêm “Diễn đàn “Chuỗi Giá Trị Gỗ Hợp Pháp Và Bền Vững Tại Việt Nam” là cơ hội để tỉnh Bình Dương truyền tải định hướng phát triển ngành chế biến gỗ của tỉnh, cũng nhất quán với định hướng chung của Chính phủ về phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, tới các bên liên quan trong và ngoài nước”.   

Một phiên thảo luận cấp cao mang chủ đề thúc đẩy “Các chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn nhằm cung cấp cho đại biểu thông tin cụ thể về các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam cùng các đối tác quốc tế đang thực hiện, qua đó phát huy tinh thần “Hợp tác bảo đảm gỗ hợp pháp”.

Việt Nam đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu hàng đầu thế giới. Theo dự báo, vào năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam ước đạt 25 tỷ đô la Mỹ. “Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam phù hợp với các cam kết và thỏa thuận quốc tế qua đó đảm bảo rằng 100% nguyên liệu gỗ sử dụng trong toàn bộ các chuỗi giá trị là hợp pháp”. Ông Phạm Văn Điển Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ.

Bên lề Diễn đàn có triển lãm trưng bày những ấn phẩm giới thiệu những thành tựu của các tổ chức thành viên Nhóm Nòng cốt và các bên tham gia trong ngành lâm nghiệp trong hành trình đảm bảo gỗ hợp pháp và thương mại gỗ có trách nhiệm. Triển lãm cũng tạo cơ hội cho các tổ chức giao lưu và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tương lai.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ Diễn đàn, một chuyến tham quan Công ty Cổ phần Gỗ Minh Dương của các đại biểu đã được tổ chức nhằm tìm hiểu về thực tiễn tuân thủ quy định về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp theo Hiệp định VPA FLEGT và Nghị định số 102/2020/NĐ-CP. Các mối quan tâm chính gồm có truy xuất nguồn gốc gỗ, hợp tác với các cộng đồng địa phương, cũng như tuân thủ các quy định về môi trường, lao động và xã hội.

Nguồn: https://www.mard.gov.vn/

Ý kiến bạn đọc