Đẩy mạnh sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Thứ 6, 01/03/2024, 09:36 GMT+7

Ngày 2/11/2023, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã tổ chức hội nghị “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học” theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật là một trong những vật tư quan trọng, góp phần bảo vệ và nâng cao năng suất cây trồng, quyết định giá trị và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, việc làm dụng có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học là một trong những giải pháp bền vững, vừa bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, an toàn cho người sử dụng; vừa không để tại tồn dư thuốc trong nông sản, bảo đảm chất lượng và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết: “Định hướng phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất quan trọng và đã được đề cập trong các đề án của ngành nông nghiệp. Chủ trương là ngày càng ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học rộng rãi hơn”. Bộ Nông nghiệp và PTNT dự kiến đến năm 2025 tăng số lượng thuốc BVTV sinh học đạt 30%; tăng số lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng lên 20%; tăng mô hình, diện tích sử dụng thuốc BVTV sinh học lên 3-5% và tăng 15% số lượng doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học so với hiện nay.

Thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Toàn cảnh hội nghị

Nhằm cụ thể hóa các chính sách về thuốc bảo vệ thực vật sinh học, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng và triển khai chương trình “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021-2025”. Trong hơn hai năm thực hiện chương trình, ngành nông nghiệp đã nhiều kết quả tốt, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong việc sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Hiện nay, nước ta có 810 loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học với 257 hoạt chất, bao gồm: thuốc bảo vệ thực vật sinh học là các vi sinh vật (chiếm khoảng 13%); thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc tự nhiên, chiết xuất từ thảo mộc (chiếm khoảng 24%); thuốc bảo vệ thực vật sinh học thuộc nhóm hóa sinh (chiếm khoảng 63%). Các loại thuốc này phòng trừ hầu hết các sinh vật gây hại trên các cây trồng khác nhau. Trên cả nước đã có 99 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có 85 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sản xuất được gần 30 dạng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thành phẩm khác nhau, trong đó có rất nhiều dạng tiên tiến và an toàn cho con người như dạng hạt phân tán trong nước, dầu phân tán, đậm đặc tan trong nước, dạng hạt. Bên cạnh đó, các công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học phổ biến trên thế giới đã được đăng ký, sản xuất và ứng dụng như: sản xuất thuốc sinh học nano, sản xuất thuốc sinh học chiết xuất từ thảo mộc, sản xuất thuốc sinh học chứa các vi sinh vật, các thuốc có nguồn gốc virus hay nguồn gốc từ tuyến trùng...

Lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhập khẩu cũng tăng dần trong 3 năm gần đây. Đáng chú ý là thuốc bảo vệ thực vật sinh học được sử dụng ngày càng tăng. “Số liệu từ các địa phương cho thấy trong 3 năm 2020-2022, tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình cả nước đang xu hướng giảm dần, từ 3,81 kg/ha năm 2020 giảm xuống 3,19 kg/ha năm 2022. Trong đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng trung bình trên cả nước vẫn được sử dụng ở mức ổn định và có xu hướng tăng từ 16,67% năm 2020 lên 18,49% năm 2022.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiện gặp một số khó khăn, thách thức. Cụ thể, hiện chưa có các chính sách cụ thể để khuyến khích nghiên cứu, hỗ trợ vốn và đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ sinh học. Điều kiện sản xuất các thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc từ thảo mộc chưa được ưu tiên cắt giảm, nên việc đẩy mạnh phát triển các thuốc sinh học nhóm này còn khó khăn.

Ngoài ra, người dân vẫn quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học do hiệu quả cao, tức thời, giá thành rẻ. Thuốc bảo vệ thực vật sinh học ít được lựa chọn do chi phí sử dụng cao, thời gian bảo quản ngắn, phổ tác động hẹp, chuyên tính, hiệu quả chậm hơn so với thuốc hóa học, không ổn định do bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố ngoại cảnh và điều kiện sử dụng.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tăng cường hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại các địa phương. Bên cạnh đó khuyến khích liên kết nghiên cứu, phát triển thuốc sinh học giữa các doanh nghiệp với các viện, trường hoặc các doanh nghiệp khoa học công nghệ được thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công tư.

Ngoài ra đặt hàng, ưu tiên bố trí kinh phí cho các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển và sản xuất thuốc BVTV sinh học. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thuốc BVTV sinh học, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm và năng lực của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế như FAO, WHO…Đồng thời chuyển đổi số, xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu về thuốc BVTV từ trung ương đến địa phương, hỗ trợ cán bộ địa phương, doanh nghiệp, cơ sở buôn bán.

Nguồn: http://sonnptnt.baria-vungtau.gov.vn 

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc