Đẩy lùi rác thải nhựa: Trách nhiệm của mỗi người

Thứ 3, 09/07/2024, 08:22 GMT+7

Để góp phần xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp, Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, thiết thực nhằm huy động Nhân dân cùng chung tay bảo vệ môi trường. Nhờ đó, ý thức, trách nhiệm của người dân về vệ sinh môi trường ngày càng được nâng lên, nhất là việc xử lý rác thải và chống rác thải nhựa.
 

Thay đổi từ mỗi gia đình  

Đường vào thôn Hội Tân, xã Ninh Lai (Sơn Dương) luôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hội Tân Mai Tiến Đường chia sẻ: Chi bộ, Ban công tác mặt trận thôn và các tổ chức đoàn thể luôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân trong thôn thay đổi thói quen sinh hoạt, hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa một lần; xây dựng hố rác thải tại nhà. Thôn triển khai nhiều hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền cuộc họp thôn, sinh hoạt đoàn thể, loa phát thanh, zalo các tổ nhóm; tổ chức tập huấn cho người dân nâng cao kỹ năng phân loại rác thải ngay tại gia đình...

Qua đó, Nhân dân từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống, nhất là việc thu gom, xử lý rác thải, rác thải nhựa. Không chỉ ý thức phân loại rác thải tại nhà, hàng tuần, Nhân dân các khu dân cư tự giác quét dọn đường làng ngõ xóm sạch đẹp. Tuyến đường vào thôn Hội Tân được tô điểm bằng những chậu hoa cây cảnh rất đẹp mắt.

Nhân dân phường An Tường (TP Tuyên Quang) làm gạch sinh thái bằng chai nhựa tái chế. 

Chị Chu Thị Hiền, thôn Hội Tân, xã Ninh Lai cho biết: “Qua tuyên truyền của thôn, của xã, tôi ý thức được những tác hại của đồ nhựa ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe con người. Vì vậy, trong sinh hoạt hàng ngày, tôi hạn chế mức thấp nhất việc sử dụng các túi nilon, đồ nhựa. Ví như, tôi thay túi nilon bằng túi vải khi đi chợ, đựng thức ăn bằng lá chuối, hộp thủy tinh thay bằng đựng hộp nhựa như trước”.

Nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Khắc, tổ 10, phường An Tường (TP Tuyên Quang) có thói quen xử lý, phân loại rác thải tại gia đình. Ông Khắc cho biết, gia đình có lợi thế vườn rộng, các loại rác hữu cơ như canh thừa, rau củ quả hỏng, ông bà gom lại để ủ bón vườn, còn rác thải nhựa như chai, lọ, giấy vụn được ông bà gom gọn cho vào túi bán. Những luống rau của ông bà được tưới bằng phân bón làm từ rác thải hữu cơ luôn xanh tươi tốt, ông bà tiết kiệm được thêm một khoản tiền đi chợ.

Đến các mô hình tự quản

Phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân. Đến nay, Mặt Trận Tổ Quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã xây dựng trên 2.000 mô hình tổ tự quản về bảo vệ môi trường, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở khu dân cư.

Thành viên các tổ tự quản là Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư, trưởng các chi đoàn, chi hội và Nhân dân. Hằng tuần, các tổ tự quản tổ chức tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; trồng, chăm sóc các tuyến đường hoa; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại đồng ruộng; tận dụng rác thải nhựa bán gây quỹ; làm gạch sinh thái.

Tiêu biểu, như mô hình tự quản “Thùng rác gia đình” tại thị trấn Sơn Dương, người dân tự nguyện đóng góp trên 300 triệu đồng trang bị 1.500 thùng rác để thu gom rác thải; mô hình “Gạch sinh thái”, tại xã Hùng Mỹ, Xuân Quang, Nhân Lý, Yên Lập (Chiêm Hóa), Đông Thọ, Văn Phú, Phú Lương...(Sơn Dương), người dân tận dụng từ các chai nhựa, tạo ra những viên gạch sinh thái để xây dựng các công trình ghế ngồi, tường rào, bồn cây; mô hình thu gom rác thải nhựa gây quỹ tại một số xã trên địa bàn tỉnh, người dân, các tổ tự quản gom các loại rác thải nhựa, định kỳ đem bán phế liệu gây quỹ ủng hộ cho người nghèo tại thị trấn Yên Sơn, Tứ Quận, Chân Sơn (Yên Sơn), xã Thái Long, Đội Cấn (TP Tuyên Quang)...

Nhân dân thôn Yên Bình, xã Phú Bình (Chiêm Hóa) xây dựng bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc phường An Tường (TP Tuyên Quang) đã triển khai mô hình tự quản “Phân loại rác thải tại nguồn”, tại các khu dân cư. Mặt trận các khu dân cư tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân, các hộ gia đình ký cam kết tự thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình. Đồng thời, hướng dẫn người dân xây bể ủ rác hữu cơ tại hộ gia đình đối với hộ có đất vườn; phối hợp với Hợp tác xã Vận tải và Dịch vụ Môi trường Thanh Bình đảm nhận dịch vụ thu gom rác thải cho Nhân dân vào các ngày trong tuần tại các khu dân cư trung tâm.

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc phường An Tường cho biết, qua triển khai thực hiện phong trào đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân đối với việc tự phân loại rác thải.

Đến nay, phường An Tường thành lập 19 mô hình tự quản về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa với 85 nhóm tại 11/11 khu dân cư. Việc các hộ gia đình tự giác phân loại rác thải, có bể xử lý rác thải đã góp phần bảo vệ môi trường rất lớn.

Thông qua hoạt động của mô hình tự quản, đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường; hạn chế xả rác thải ra môi trường, một số khu vực có nhiều rác thải được thu gom, xử lý. Từ năm 2021 đến nay,  Mặt Trận Tổ Quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã vận động đoàn viên, hội viên, thành viên các tổ, nhóm tự quản và Nhân dân đóng góp xây dựng trên 55.360 bể, hố xử lý rác ở khu dân cư và hộ gia đình; xây dựng gần 640 công trình, mô hình gạch sinh thái từ rác thải nhựa... tổng trị giá ước trên 7,6 tỷ đồng...  Qua đó, phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa nói riêng.

Nguồn: Theo Trang Thông Tin Điện Tử Sở Tài Nguyên Và Môi Trường Tuyên Quang, "Đẩy lùi rác thải nhựa: Trách nhiệm của mối người", đăng ngày 12/06/2024, xem tại link: http://tnmttuyenquang.gov.vn/tin-tuc/moi-truong/day-lui-rac-thai-nhua-trach-nhiem-moi-nguoi-27647.html, truy cập ngày 09/07/2024.

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc