Đánh giá tiềm năng sản xuất hydro xanh tại Việt Nam

Thứ 6, 03/03/2023, 04:20 GMT+7

Bên cạnh những giải pháp về phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển nguồn điện có phát thải carbon thấp… hydro xanh và những dẫn xuất của hydro xanh đang được thế giới quan tâm và kỳ vọng có thể là giải pháp có vị trí ngày càng quan trọng trong lộ trình chuyển dịch năng lượng giảm phát thải các khí ô nhiễm và CO2…của những ngành sản xuất công nghiệp.

Thông tin trên được đề cập tại Hội thảo tham vấn về nghiên cứu “Đánh giá tổng thể về sản xuất hydro xanh từ các nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió và tiềm năng sử dụng ở Việt Nam”.

sản xuất hydro xanh

Nghiên cứu có mục tiêu hỗ trợ cho các bên liên quan của Việt Nam như cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư và các tổ chức trung gian, nhà tài trợ, chuyên gia… có thêm được góc nhìn tổng thể về vai trò của hydro xanh, cùng các luận cứ cần thiết khi đưa ra quyết định, từ đó quá trình xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả trong hỗ trợ phát triển ứng dụng, sản xuất hydro xanh cho mục đích giảm phát thải khí nhà kính và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman cho biết, trên thế giới, hydro xanh sản xuất từ điện phân nước chỉ đóng 0,03% sản lượng hydrogen trong năm 2020. Tuy nhiên, cải thiện các công nghệ điện phân và chi phí năng lượng tái tạo thấp có thể giúp hydro xanh có giá cạnh tranh trong năm 2030. 

Quan trọng hơn, các quốc gia với tiềm năng năng lượng tái tạo lớn, các mối quan hệ thương mại ưu đãi, chính trị ổn định và gần các nhà xuất khẩu lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Việt Nam sẽ hưởng lợi, đặc biệt trong bối cảnh định giá giới hạn carbon có thể sẽ có vai trò quan trọng. Hydro xanh được ứng dụng rộng rãi, không chỉ giới hạn trong hàng hải, vận tải, công nghiệp chế tạo thép và hóa chất… Sản xuất và sử dụng hydro xanh vẫn còn là lĩnh vực mới ở Việt Nam, nhưng chủ đề năng lượng trung gian đang ngày càng thu hút sự quan tâm.

Cũng tại Hội thảo, ông Lê Việt Cường - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nhấn mạnh Việt Nam đã cam kết cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực cho mục tiêu đảm bảo giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5oC tại COP21, giảm phát thải ròng carbon của quốc gia về 0 vào năm 2050 tại COP26.

Cam kết này được thống nhất trong chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua nội dung các Nghị quyết, Luật, Chiến lược, Quy hoạch và Kế hoạch.

Theo đó ngành năng lượng lĩnh vực hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế, được dự báo có mức phát thải CO2 là 101 triệu tấn vào năm 2050, chiếm trên 70% lượng phát thải quốc gia, do đó đây là lĩnh vực có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện những cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã nhận thức sâu sắc của tác động từ biến đổi khí hậu và nỗ lực thực hiện các giải pháp thông qua cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26, gần đây liên tục gia tăng công suất năng lượng mặt trời và gió; Đồng thời, công bố Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng trị giá 15,5 tỷ USD với liên minh các đối tác quốc tế (JETP), một vài đại diện của các đối tác khác.

Tuy nhiên theo Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam để thực hiện thành công các mục tiêu này sẽ cần sự đóng góp vai trò tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa từ năng lượng hydro xanh, với tiềm năng sẽ phát triển trong thời gian tới.

Theo kết quả nghiên cứu từ Viện Năng lượng (từ tính toán nhu cầu Hydro xanh) cho thấy nhu cầu sử dụng Hydro xanh cho phát triển các ngành kinh tế là rất lớn. Tuy nhiên hiện Công nghệ sản xuất và ứng dụng của Hydro xanh chưa hoàn thiện và còn nhiều không gian để phát triển do đó nhu cầu Hydro xanh sẽ thay đổi tùy theo sự phát triển của công nghệ sản xuất, lưu trữ, sử dụng và phân phối…

Nghiên cứu về “Tiềm năng sản xuất Hydro canh ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nam Bộ cũng như tiềm năng giảm phát thải CO2 khi sử dụng Hydro xanh đến năm 2050 cho lĩnh vực năng lượng” của Viện Năng lượng cho rằng Sản lượng hydro xanh sản xuất được từ nguồn điện NLTT cắt giảm rất thấp. Việc thu gom cung cấp điện tới vị trí nhà máy điện phân gặp nhiều khó khăn và tốn chi phí. Phương án sử dụng điện từ NLTT cắt giảm không được đề xuất để sản xuất hydro xanh; Tuy nhiên NLTT tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ rất lớn, là cơ sở để sản xuất hydro xanh và cung cấp cho các ngành kinh tế và công nghiệp lân cận.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc