Ngành Nông nghiệp Đắk Lắk triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, nhất là đối với canh tác lúa, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, địa phương này hiện có khoảng hơn 100 nghìn ha lúa nước, chiếm khoảng 34,98% diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh. Sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; năng suất bình quân của tỉnh đạt gần 70 tạ/ha, năm 2023 sản lượng ước đạt khoảng 800.000 tấn/năm.
Diện tích lúa được phân bố rộng rãi trên tất cả các địa bàn và hình thành được các vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, để đáp ứng tiêu dùng xanh hiện nay, ngành nông nghiệp các địa phương phải thay đổi cách tiếp cận, hướng đến nền nông nghiệp xanh, sản xuất lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã bắt đầu thay đổi phương pháp sản xuất như sử dụng giống lúa chất lượng cao, nhiều giống lúa mới có chất lượng được công nhận; sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ để gia tăng giá trị cho hạt gạo và tăng thu nhập cho nông dân.
Ngành Nông nghiệp Đắk Lắk triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp.
Theo kết quả nghiên cứu, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam có lượng phát thải lớn với khoảng 80 triệu tấn CO2, chiếm trên 30% tổng lượng khí CO2 toàn quốc. Trong đó, gần 70% phát thải CO2 trong nông nghiệp đến từ các hoạt động trồng trọt. Sản xuất lúa nước chiếm 50% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp; chăn nuôi chiếm khoảng 19%; sử dụng phân bón và quản lý đất phát thải chiếm 13%; đốt tàn dư thực vật gây phát thải chiếm khoảng 1,6%. Có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, bao gồm sử dụng nước kém hiệu quả, mật độ gieo sạ cao, tỷ lệ bón phân chưa hiệu quả, thu hoạch rơm rạ chưa đúng cách…
Để giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa nước, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như: Chế độ tưới nước chủ động ngập - khô xen kẽ thay vì để các ruộng lúa ngập nước trong suốt cả mùa vụ, từ đó giúp giảm phát thải khí metan. Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp này, cần xây dựng hệ thống thủy lợi chủ động để áp dụng công nghệ phù hợp và cũng đòi hỏi chi phí đầu tư tương đối lớn. Tiêu dùng xanh hiện nay là một xu thế, sản phẩm ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn phải chứng minh phát triển bền vững, đảm bảo môi trường. Vì thế, ngành nông nghiệp các địa phương phải thay đổi cách tiếp cận hướng tới nền nông nghiệp xanh, sản xuất lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính.
Để giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa nước, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp.
Theo các chuyên gia, các địa phương cần chuyển đổi mô hình sản xuất lúa từ ngập nước thường xuyên từ hơn 100 ngày/ vụ sang kĩ thuật ướt - khô xen kẽ. Bên cạnh đó là xử lý rơm rạ sau thu hoạch và tuyệt đối không được đốt. Ngoài ra phải sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế đến 30% lượng phân bón và thuốc trừ sâu để cây lúa sạch hơn nhưng vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng. Để đo lường lượng khí nhà kính giảm được từ mô hình trồng lúa này các địa phương phối hợp với đơn vị chuyên môn sử dụng công nghệ viễn thám bằng vệ tinh quỹ đạo thấp. Sau khi lúa được thu hoạch, khoảng 15 - 30 ngày sau, báo cáo giảm phát thải sẽ được đưa ra.
Ngoài ra, giải pháp trọn gói quy trình canh tác lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất là giải pháp phù hợp với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất. Việc này góp phần quan trọng nhằm ổn định kinh tế - xã hội; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ
Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết, nông nghiệp được xem là ngành gây phát thải rất lớn, do vậy giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp gắn với việc công nhận chứng chỉ carbon sắp tới cũng sẽ trở thành định hướng mà nông nghiệp Đắk Lắk mong muốn đạt được. Một số mô hình tái cơ cấu nền kinh tế trong nước theo hướng giảm phát thải như "Carbon thấp", "kinh tế xanh", “nông nghiệp tái sinh” cũng đã hình thành ở nhiều nơi và bước đầu chứng minh được hiệu quả. Đắk Lắk đặt mục tiêu tạo được sản phẩm đầu ra chất lượng tốt hơn, tạo thương hiệu nông sản thân thiện với môi trường. Việc này cũng tạo thu nhập ổn định cho nông dân và chuẩn bị tư thế sẵn sàng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon một khi thị trường này được hoạt động vào năm 2028.
Nguồn: Tạp Chí Điện Tử Thiên Nhiên Và Môi Trường