Đắk Lắk: Bảo vệ môi trường nông thôn: Sạch từ khu dân cư đến đồng ruộng

Thứ 2, 08/01/2024, 00:55 GMT+7

Triển khai thực hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn, nhiều tổ chức, đơn vị đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng, bảo vệ môi trường nông thôn.

Chủ động xử lý rác thải tại gia đình

Tháng 11/2023, Trung tâm Môi trường nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn” tại thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar).

Tham gia dự án, 600 hội viên nông dân các thôn 6A, 6B, 7, 9, 14 được chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn quy trình thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình, kỹ thuật lên men xử lý chất thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn thành lập các tổ thu gom rác, quy chế hoạt động và thu chi tài chính. Ngoài ra, mỗi hộ còn được tặng 1 thùng ủ rác, 2 gói chế phẩm vi sinh xử lý rác thải hữu cơ. Riêng chi hội nông dân các thôn 6A, 6B, 7, 9, 14 còn được bàn giao 55 thùng rác, 10 xe gom rác để trực tiếp quản lý, sử dụng.

Cán bộ Trung tâm Môi trường nông thôn hướng dẫn người dân quy trình ủ rác hữu cơ.

Ông Phạm Công Danh (thôn 6A) chia sẻ: “Ngoài việc được tham gia lớp tập huấn tập trung, chúng tôi còn được cán bộ Hội Nông dân trực tiếp khảo sát, tuyên truyền, hướng dẫn theo hình thức “cầm tay chỉ việc” về phân loại rác hữu cơ, vô cơ, tái chế và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phân vi sinh từ rác thải hữu cơ. Đến nay, gia đình đã thu được mẻ phân hữu cơ đầu tiên để bón cho các loại rau màu. Tôi thấy cách làm này rất hay, ngoài giảm được mùi hôi và lượng rác thải ra môi trường cũng như thói quen chôn lấp rác thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp thì còn có thể giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hình thành môi trường sản xuất an toàn, tiết kiệm nguồn chi phí đáng kể nhất là khi giá phân bón tăng cao như hiện nay”.

Ông Lê Trọng Bốn, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn 6B cho hay, hiện nay cùng với việc đời sống vùng nông thôn ngày càng được nâng cao thì lượng rác thải sinh hoạt do người dân thải ra môi trường là rất lớn. Việc thu gom, xử lý rác thải lâu nay chưa được chú trọng, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương. Chính vì thế, khi mô hình được triển khai thì các hộ dân đều tham gia hưởng ứng tích cực. Ngoài hướng dẫn nông hộ xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình thì chi hội cũng tiến hành đặt 11 thùng rác tại nơi công cộng, "điểm đen" về rác thải và hướng dẫn người dân thu gom, phân loại rác thải vô cơ đúng quy định. Từ đó giúp các hộ hình thành thói quen tốt, hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi, góp phần bảo vệ môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Thay đổi thói quen từ đồng ruộng

Có gần 1 ha đất trồng lúa, mỗi năm ông Nguyễn Trà (thôn 2, xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) sử dụng khá nhiều thuốc BVTV để phục vụ việc sản xuất. Trước đây, những chai lọ, bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng, ông thường thu gom rồi đốt. Từ năm 2017, khi mô hình bể thu gom vỏ, bao bì thuốc BVTV được Hội Nông dân xã triển khai, những rác thải đó được ông bỏ hết vào trong bể chứa. “Thói quen sau khi sử dụng thuốc BVTV xong thì vứt vỏ thuốc, chai nhựa ngay tại các bờ ruộng hoặc bỏ xuống sông, kênh mương gây ảnh hưởng trực tiếp tới đất, nguồn nước cũng như sức khỏe của chính người sử dụng và cộng đồng. Từ khi các bể chứa được xây dựng, không chỉ tôi mà người dân quanh đây cũng đã hình thành thói quen thu gom các vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau sử dụng bỏ vào đúng nơi, hạn chế tối đa tình trạng xả rác ra ngoài môi trường”, ông Trà bộc bạch.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Ana kiểm tra công tác thu gom rác thải từ bể chứa vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Điện Bàn (xã Quảng Điền) có diện tích trồng lúa trên 460 ha. Với mục đích hướng tới là sản xuất sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, HTX đã đề nghị các thành viên phải thu gom và để bao bì thuốc BVTV đúng nơi quy định, không vứt bừa bãi. Đồng thời vận động nông dân hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Hầu hết bà con đều rất có ý thức trong việc thu gom chai lọ, vỏ bao thuốc BVTV để bỏ vào các bể chứa đặt tại cánh đồng.

Huyện Krông Ana có trên 30.000 ha đất trồng trọt. Mỗi vụ sản xuất, nông dân sử dụng một lượng lớn thuốc BVTV, nếu bao bì, chai lọ không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Giải quyết vấn đề này, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp tuyên truyền, triển khai công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đúng quy định.

Toàn huyện hiện đã xây dựng gần 400 bể chứa tại các địa điểm gần khu vực sản xuất, đường giao thông để người dân sau khi sử dụng sẽ mang vỏ, chai lọ, túi nilon tập trung bỏ vào. Nhờ đó, hầu hết các bể sau khi lắp đặt đã phát huy hiệu quả, hạn chế rác thải nhựa, hạn chế lượng tồn dư thuốc BVTV thải ra môi trường và bảo đảm mỹ quan nông thôn.

Hằng năm, Phòng đều phối hợp với các địa phương tổ chức thu gom rác thải độc hại từ các bể chứa để vận chuyển đến nhà máy xử lý tại tỉnh Quảng Nam để xử lý theo quy định.

Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

Bài viết hữu ích?
0/5
(0 đánh giá)
Ý kiến bạn đọc