Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, sau gần 1 năm thi công, công trình trạm trung chuyển chất thải rắn ở đường Lê Thanh Nghị (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) đã đi vào vận hành giai đoạn thử nghiệm.
Dự án có tổng vốn đầu tư 172 tỷ đồng, xây dựng trên khu đất 3.000m2. Công trình được thành phố đầu tư cải tạo, nâng cấp, thay đổi công nghệ cũ sang công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Ảnh: Nguồn Tạp Chí Môi Trường
Công trình với chức năng chính là tập kết và vận chuyển chất thải rắn nên tại công trình không diễn ra hoạt động xử lý chất thải rắn mà chỉ ép chất thải rắn vào các thùng chứa bằng công nghệ ép ngang kín rồi vận chuyển đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn thành phố để xử lý theo quy định. Đây là mô hình trạm trung chuyển chất thải rắn thứ hai tại Việt Nam (sau TPHCM) được áp dụng công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại, trong đó có 6 xe và 14 thùng hooklift (thùng chứa rác sau khi ép), mỗi thùng có sức chứa 10,35 tấn. Đà Nẵng trang bị hệ thống dây chuyền xử lý chất thải rắn kích cỡ lớn nhập khẩu từ Italia cùng hệ thống khử khuẩn, xử lý nước thải, chất thải, đảm bảo quá trình vận hành không gây ô nhiễm môi trường cho cộng đồng khu dân cư.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, khi vào giai đoạn vận hành, sẽ có khoảng 12 đến 20 lượt xe/giờ vận chuyển rác trên tuyến đường lưu thông chính là Lê Thanh Nghị, 2/9 và Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ngoài ra, thành phố còn xây dựng quy trình vận hành tiếp nhận rác thải phù hợp, hạn chế tiếp nhận vào các giờ cao điểm, qua đó sẽ giảm thiểu thấp nhất ảnh hưởng của dự án đến hoạt động giao thông trong khu vực.
Nguồn: Cổng thông tin bộ TN&MT